Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Kiểm soát hoạt động thông tin mạng

Thứ sáu, 19/02/2016 07:35

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-2, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), vấn đề xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này là nội dung được nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên họp.

Có nên đưa mạng xã hội vào Luật?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, qua quá trình thảo luận về dự thảo Luật này có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật. Hiện hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Với lý do, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng; còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài, mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng; do vậy, dự thảo Luật không điều chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, mà tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Trước thực tế, nhiều trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội có lượng truy cập rất lớn, xu hướng thông tin mạng tăng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn khi “trang thông tin điện tử tổng hợp bị đưa ra khỏi dự thảo, chỉ quản lý bằng nghị định”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng đánh giá “dự thảo Luật gần như vắng bóng các quy định quản lý và kiểm soát thông tin mạng là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”. Theo đại biểu Ksor Phước, thông tin mạng có 2 loại: Báo chí điện tử và thông tin của tư nhân (từ máy chủ trong nước và từ máy chủ nước ngoài) nhưng với điều kiện hiện nay, trước hết phải kiểm soát được những thông tin mạng từ máy chủ trong nước. “Nếu không làm được thì dự thảo Luật sẽ chỉ đạt 40% yêu cầu về quản lý báo chí, 60% còn lại sẽ bị “để trống trận địa” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, truyền thông xã hội phát triển mạnh nhưng dự thảo Luật không điều chỉnh các hình thức thông tin mạng vì đã được quy định chặt chẽ trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Hơn nữa, Bộ trưởng lưu ý, “nếu đưa các loại hình này vào Luật thì vô hình chung thừa nhận đó là loại hình báo chí. Có thể sau này sẽ nâng Nghị định 72 thành Luật để điều chỉnh các hoạt động thông tin mạng”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong Hiến pháp 2013 đã nêu rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội nêu một thực tế người dân hiện sử dụng nhiều thông tin trên mạng nên cần nghiên cứu, tính toán để có những quy định điều chỉnh trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội tại luật này, không điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều chỉnh độ tuổi của trẻ em

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc đổi tên Luật hiện hành thành “Luật Trẻ em”. Việc đổi tên sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tán thành với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác. Trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Về băn khoăn việc điều chỉnh này không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan và làm tăng chi ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi sẽ không gây ảnh hưởng tới quy định của Luật Thanh niên và Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” - “người lớn” và “thanh niên” - “thiếu niên” - “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập.

Về sự lo ngại sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước, theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472. Khi điều chỉnh độ tuổi, 4.384.472 người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành quy định tại Luật Thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

Theo chương trình, chiều 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành Kiểm sát nhân dân.

Thu Thủy – TTXVN