Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Thảo luận nhiều nội dung về giao, cho thuê đất rừng, mặt biển

Thứ ba, 03/10/2017 09:44

Chiều 2-10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6. Tại phiên họp, Ủy ban nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2017, ngân sách cho khoa học, công nghệ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ, ngân sách năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) vẫn nặng về việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển; còn mặt nước sông, hồ, đầm phá để nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.   Trong ảnh: Biển Lăng Cô (H. Phú Lộc, TT-Huế).

Ngay sau khai mạc, Ủy ban KHCN&MT nghe báo cáo nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Cần công nhận quyền tài sản đối với quyền sử dụng mặt nước biển được thuê

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Trần Văn Minh cho biết, Thường trực Ủy ban đã xây dựng Báo cáo một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Về giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần rà soát đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam. Thường trực Ủy ban KHCN&MT phối hợp Bộ NN&PTNT và các cơ quan hữu quan rà soát và sửa đổi theo hướng các quy định của dự thảo luật về giao, cho thuê đất, đất có mặt nước ven biển... để nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo pháp luật về đất đai đồng thời thống nhất giữ nguyên thời hạn giao, cho thuê là 30 năm.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, dự án Luật tuy đã điều chỉnh nhiều nhưng vẫn nặng về biển, tức là mới đề cập đến việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển, còn mặt nước sông, hồ, đầm phá để nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề nghị, dự thảo Luật cần có mục riêng, quy định về giao, cho thuê, thu hồi mặt nước sông, hồ, đầm phá để nuôi trồng thủy sản.

Về công nhận quyền tài sản đối với quyền sử dụng mặt nước biển được thuê, các đại biểu cho rằng, đây không phải là khái niệm mới. Việc quy định quyền chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn giá trị quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đã được thể hiện trong Luật Thủy sản 2003. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, quyết định cho thuê mặt nước biển không có giá trị pháp lý đảm bảo cho thực hiện các quyền thế chấp, góp vốn, chuyển nhượng. Do đó, người nuôi gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn đầu tư cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng công nhận quyền tài sản thông qua hình thức quyết định cho thuê để đảm bảo hiệu lực pháp lý trong thực hiện các giao dịch tín dụng.

Không bổ sung  “tổ hợp tác”, “nhóm hộ gia đình” là chủ rừng

Tại phiên họp chiều 2-10, Ủy ban KHCN&MT nghe Báo cáo nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; chủ rừng; sở hữu rừng; vấn đề quy hoạch lâm nghiệp; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tổ chức kiểm lâm...

Về quy định các loại chủ rừng (Điều 8), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng “tổ hợp tác”, “nhóm hộ gia đình”, “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” vào trong dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phùng Đức Tiến phân tích, trong hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm pháp lý của “tổ hợp tác”, “nhóm hộ gia đình” còn chưa được quy định rõ ràng. Pháp luật về hợp tác xã, dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này. Pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với “tổ hợp tác”, “nhóm hộ gia đình”. Do vậy, đề nghị không bổ sung đối tượng “tổ hợp tác”, “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đối với chủ rừng là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, mặc dù Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng (khoản 6 Điều 5), Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất (khoản 3 Điều 55, điểm d khoản 1 Điều 56...). Tuy nhiên, do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê rừng của người dân địa phương là rất lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Trường hợp cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban KHCN&MT và Ban soạn thảo đề nghị không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý các dự án Luật, cho rằng các báo cáo đã có sự tiếp thu đầy đủ, chi tiết, toàn diện về các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa và rà soát lại một số quy định trong dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các luật khác trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

T.THỦY – P.PHƯƠNG – TTXVN