Báo Công An Đà Nẵng

Philippines đặt cược quan hệ Mỹ –Trung

Thứ tư, 19/10/2016 09:16

(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ giúp khôi phục lòng tin Manila-Bắc Kinh nhưng lại có nguy cơ phủ bóng đen u ám lên mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ.

Binh sĩ Mỹ- Philippines trong cuộc tập trận chung trong tháng này. Ảnh: NYT

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 18-10 bắt đầu lên đường đến Trung Quốc, chuyến công du được chờ đợi sẽ giúp hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa hai bên do những tranh chấp vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, chuyến đi này của ông Duterte đang đẩy Manila vào thế đặt cược đầy rủi ro trong mối quan hệ đồng minh chiến lược lâu năm với Mỹ.

Mục đích chính của Tổng thống Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là thiết lập liên minh thương mại mới với Bắc Kinh - điều mà ông nói là nhằm thúc đẩy kinh tế Philippines và đa dạng hóa chính sách đối ngoại vốn quá phụ thuộc vào Washington. Đó là lý do vì sao có đến gần 200 đại diện doanh nghiệp tháp tùng ông Duterte trong chuyến công du lần này. Nhưng giới phân tích cho rằng, vấn đề biển Đông không thể nằm ngoài lộ trình chuyến đi này.

Trên thực tế, chuyến đi đến Trung Quốc của ông Duterte đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương, nhưng cũng làm dấy lên những lo ngại về động thái “xích lại gần nhau” quá nhanh chóng này. Người dân Philippines lo ngại, quan hệ ấm dần lên với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền hàng hải của nước này ở biển Đông. Tổng thống Duterte trấn an người dân khi cam kết sẽ không từ bỏ bất kỳ chủ quyền nào hay đi chệch hướng khỏi phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về biển Đông hồi tháng 7 vừa qua.

Giới quan sát nhận định, trong cách tiếp cận vấn đề biển Đông với Trung Quốc, Tổng thống Duterte chủ yếu muốn ngư dân Philippines được quyền trở lại đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Philippines sẽ tìm kiếm sự đảm bảo của Trung Quốc về việc “ngừng kế hoạch cải tạo đất trong khu vực tranh chấp”. Nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo một quan chức Philippines, hai bên vẫn chưa thống nhất về một đoạn văn bản trong tuyên bố chung, vốn đề cập đến vấn đề tranh chấp biển Đông.

Có lẽ Mỹ đang rất nóng lòng được biết nội dung tuyên bố chung Trung Quốc- Philippines. Washington tuyên bố muốn nhìn thấy mối quan hệ tốt hơn giữa Bắc Kinh và Manila. Nhà Trắng cũng từng cảnh báo, sự lạnh nhạt giữa Trung Quốc- Philippines có thể gây tổn hại cho sự ổn định trong khu vực và buộc Washington phải hành động theo Điều 1951 trong hiệp ước phòng thủ chung với Manila - một phần quan trọng của chuỗi liên minh của Mỹ ở Châu Á chạy từ Nhật, Hàn đến Australia.

Kết nối giữa Mỹ và Philippines kéo dài trong mối quan hệ 65 năm qua và cả sự tồn tại của hơn 3 triệu người Mỹ gốc Philippines. Thực tế, người Mỹ ở Philippines hiện đang lo ngại sẽ bị Tổng thống Duterte đuổi đi. Và bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống Duterte nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc cũng có thể sẽ làm nản lòng quân đội Mỹ một khi Lầu Năm Góc cảm thấy sự an toàn của nhân viên quân sự Mỹ và các hoạt động khác có thể bị tổn hại.

Tổng thống Duterte đã không ngần ngại tuyên bố muốn giảm tiếp xúc với đồng minh Mỹ và tiến đến quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Philippines với cường quốc Châu Á đang nổi lên này. Ông Duterte gây chú ý bằng chuyến thăm rình rang đến Trung Quốc, được ví như “cuộc tấn công quyến rũ” nhằm giúp xác định hướng chuyển trục đồng minh của Manila sau nhiều thập kỷ “đi cùng” với Mỹ.

Nhưng đây là một canh bạc đầy rủi ro. Bởi khi chính sách “xoay trục Châu Á” của Mỹ bị lung lay, những tuyên bố chủ quyền của Manila ở biển Đông cũng khó có thể đứng vững.

Khả Anh

Người Philippines tin Mỹ hơn Trung Quốc

Người dân ở Philippines vẫn tin Mỹ hơn Trung Quốc, bất chấp việc Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây cho thấy giọng điệu chống Washington và đưa ra những đề nghị bất ngờ cho cựu thù Bắc Kinh, theo kết quả thăm dò được công bố ngày 18-10.

Reuters dẫn kết quả thăm dò, của Tổ chức Social Weather Stations (SWS), cho thấy, 55% người được hỏi “ít niềm tin” vào Trung Quốc so với con số 11% nghi ngờ Mỹ, dù sự tin tưởng giữa Manila và Washington đã giảm nhẹ so với cuộc khảo sát hồi cuối tháng 6. Trong khi đó, có tới 76% “tin nhiều” vào Mỹ và chỉ có 22% có cùng cảm giác này đối với Trung Quốc.

T.L