Báo Công An Đà Nẵng

Philippines “đau đầu” với nạn lạm dụng người giúp việc nhập cư tại Vùng Vịnh

Thứ tư, 08/04/2020 11:23

Những diễn biến gần đây làm sáng tỏ vấn đề lạm dụng và ngược đãi người giúp việc nhập cư từ Philippines tại các quốc gia Vùng Vịnh vốn đã tồn tại từ lâu.

Chính phủ của Tổng thống Duterte đang nỗ lực giải quyết vấn đề người giúp việc nhập cư tại Vùng Vịnh. Ảnh: Diplomat

Hồi tháng 1 vừa qua, chính phủ Philippines đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn người giúp việc gia đình di cư đến Kuwait, sau khi một lao động nước này tên Jeanelyn Villavende được phát hiện đã chết vì bị thương nặng tại nhà của người chủ hồi tháng 12-2019. Chủ nhân của nữ giúp việc này đã bị buộc tội giết cô. Báo cáo của chính phủ Philippines cho biết, Villavende, 26 tuổi, bị lạm dụng tình dục trước khi chết. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau đó, chính phủ Philippines đã dỡ bỏ lệnh cấm, tuyên bố rằng các cáo buộc thích đáng đối với thủ phạm đang được tòa án Kuwait xem xét.

Trường hợp của Villavende chỉ là một trong vô số những vụ lạm dụng, ngược đãi và bi kịch khác liên quan đến lao động nhập cư ở vùng Vịnh. Theo một quan chức của Cơ quan tuyển dụng lao động nước ngoài Philippines, một tỷ lệ đáng kể các vụ lạm dụng nghiêm trọng nhất đối với người lao động Philippines ở nước ngoài xảy ra ở vùng Vịnh. Khoảng 90 phần trăm những trường hợp này liên quan đến lao động nhập cư.

Trước đây, Philippines đã từng thực hiện lệnh cấm lao động trong nước đến Kuwait. Năm 2018, hai nước rơi vào khủng hoảng ngoại giao khi thi thể của Joanna Demafelis, một lao động người Philippines ở Kuwait, được tìm thấy trong tủ đông lạnh trong một ngôi nhà bỏ hoang. Lệnh cấm được dỡ bỏ vài tháng sau đó, khi chính phủ hai nước ký một thỏa thuận bảo vệ quyền và phúc lợi của người lao động Philippines tại Kuwait. Thỏa thuận cấm người sử dụng lao động tịch thu hộ chiếu và điện thoại di động của người làm, cũng như phải đảm bảo về thực phẩm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động.

Người giúp việc nhập cư rất dễ bị tổn thương, bởi vì người chủ của họ tài trợ thị thực để họ đến làm việc ở vùng Vịnh. Nếu họ không nghe lời người chủ của mình, họ sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Tính chất của công việc càng khiến những người giúp việc gia đình dễ bị tổn thương hơn. Không giống như các loại lao động nhập cư khác, công việc của người giúp việc được xem là nằm ngoài phạm vi của các quy định hoặc giám sát công cộng, với lý do việc giám sát như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của chủ lao động. Điều này ngăn cản bên thứ ba kiểm tra những gì đang xảy ra trong nhà cho đến khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra.

Nhiều người giúp việc nhập cư tại Vùng Vịnh mất quyền tự do đi lại. Họ sống và làm việc trong các khu dân cư ngoại thành không có phương tiện giao thông công cộng, thường không có ngày nghỉ, vì vậy họ không thể trốn thoát khi bị lạm dụng. Ngay cả khi họ tìm cách rời đi, họ cũng rất khó có thể đến được Đại sứ quán Philippines hoặc tìm thấy một nơi trú ẩn.

Kể từ những năm 1990, chính phủ Philippines thực hiện các lệnh cấm người giúp việc ra nước ngoài để đối phó với những thảm kịch. Nhưng không rõ liệu các biện pháp này có hiệu quả hay không. Những lệnh cấm này gây áp lực ngoại giao đối với nước sử dụng lao động nhập cư và báo hiệu cho công dân Philippines tại quê nhà rằng chính phủ cam kết có hành động mạnh mẽ bảo vệ họ. Nhưng lệnh cấm thường được dỡ bỏ chỉ sau một thời gian ngắn mà không thực hiện các thay đổi có hệ thống để ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai.

Các nước Vùng Vịnh đã phản ứng với các lệnh cấm người giúp việc nhập cư bằng cách tuyên bố rằng họ chỉ đơn giản là tìm kiếm người lao động đến từ các quốc gia khác. Trong khi đó ở Philippines, nhiều người giúp việc làm việc ở vùng Vịnh và gia đình của họ cũng kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm. Chính phủ Philippines cũng không phớt lờ những lời kêu gọi như vậy. Hàng triệu công dân của nước này làm việc ở nước ngoài để kiếm tiền. Kiều hối của họ là nguồn tiền từ nước ngoài lớn nhất của Philippines. Theo Cục Thống kê Trung ương Kuwait, có ít nhất 216.200 lao động Philippines ở Kuwait. Khoảng 60% là người giúp việc. Lệnh cấm người giúp việc ra nước ngoài cũng làm tăng số lượng lao động Philippines không có giấy tờ ở Kuwait.

AN BÌNH