Philippines hiện đại hóa quân đội: Nói dễ, làm khó
(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng quanh vùng biển Đông tranh chấp, Tổng thống Philippines Benigno Aquino kêu gọi nâng cấp lực lượng vũ trang quốc gia. Tuy nhiên, nói thì dễ, làm thì khó.
Trong Thông điệp Quốc gia (SONA) gần đây, Tổng thống Benigno Aquino nhắc lại mong muốn hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đây không phải là điều mà chính phủ có thể dễ dàng theo đuổi. Manila đang đối mặt với những thách thức lớn do những hạn chế về ngân sách.
AFP có kinh phí rất hạn hẹp. Trên thực tế, đa số ngân sách quân sự được dùng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên, chứ không phải dùng nâng cấp khả năng phòng thủ. Ngoài ra, Hiến pháp 1987 cấm chính phủ phân bổ kinh phí cho quân đội nhiều hơn cho giáo dục. Ngay lập tức, một số nhà phân tích công khai đặt câu hỏi, liệu Philippines có thực sự đủ khả năng để hiện đại hóa quân sự đất nước vốn quá già cỗi, hoặc chỉ đơn giản là hình thành một nền quốc phòng đáng tin cậy ở mức tối thiểu - hai ưu tiên quốc phòng chính phủ.
Mua sắm trang thiết bị quân sự
“Hệ thống quốc phòng đáng tin cậy ở mức tối thiểu” là một khái niệm trở nên phổ biến trong các cuộc tranh luận công khai về việc hiện đại hóa quân đội Philippines.
Thật không may, đối với Philippines, đây là khái niệm rất mơ hồ nói lên sự yếu kém của chính phủ. Một số quan chức đơn giản cho rằng, “Hệ thống quốc phòng đáng tin cậy ở mức tối thiểu” đi đôi với việc mua sắm các thiết bị quân sự mới và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự. Các quan chức Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Manila đang lên kế hoạch cho 24 dự án hiện đại hóa quân đội trong 3 năm tới. Các dự án do chính phủ tài trợ này bao gồm việc mua lại máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng hải quân, máy bay tuần tra, tàu khu trục, tàu tuần tra và tàu tấn công đa mục đích. Trong số này, AFP sẽ mua 3 tàu chiến lớp Hamilton từ Lực lượng bảo vệ Bờ biển Mỹ; 2 chiếc trong số này sẽ được cấp cho Hải quân Philippines.
AFP cũng dự định mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 mới từ Cty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, trị giá khoảng 440 triệu USD. Nhiều nhà quan sát nhận ra, quân đội Philippines không quá lớn mạnh, và không được phát triển đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ rộng lớn. Vì thế, cần phải đầu tư thêm nhiều tỷ USD nữa để đưa quân đội trở thành một lực lượng quốc phòng đáng tin cậy. Tuy nhiên, với việc Washington đóng cửa các căn cứ quân sự và nguồn doanh thu không còn nữa, AFP giờ chỉ chờ sự phân bổ của Quốc hội để đầu tư trang thiết bị mới. Song, nguồn tiền này không đủ để thông qua các kế hoạch hiện đại hóa.
Tàu tuần duyên lớp Hamilton của Mỹ cập cảng Philippines hôm 6-8. Ảnh: AFP |
Phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự nước ngoài
Cho đến gần đây, Philippines có thể nghỉ ngơi thoải mái dưới sự bảo trợ quân sự của Mỹ. AFP mua nhiều thiết bị quân sự thông qua các chương trình viện trợ quốc phòng của Washington.
Động thái này vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia quốc phòng. Một nhà quan sát tự hỏi, AFP thực sự được hiện đại hóa như thế nào, hay chỉ được xây dựng bằng một số ít các máy bay cũ kỹ và một số tàu hải quân mua lại. Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà Trắng và các quốc gia thân thiện khác sẵn sàng viện trợ các thiết bị quân sự cao cấp hơn, nhiều người vẫn nghi ngờ liệu AFP có tiếp nhận và sử dụng được nó như trong tình trạng hiện nay hay không. Với cơ cấu như hiện nay, rõ ràng khả năng quân đội tiếp nhận viện trợ quân sự nước ngoài là rất hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Philippines cần một “cú hích” lớn trong chính sách để thay đổi mô hình quân đội nếu không cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh mạnh hơn như Mỹ, Australia, và Nhật Bản.
An Bình
(Theo Diplomat)