Báo Công An Đà Nẵng

Philippines khốn đốn do núi lửa phun trào

Thứ tư, 15/01/2020 13:00

Hàng chục ngàn người được sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm xung quanh một ngọn núi lửa đang phun trào ở Philippines khi nó tiếp tục phun tro bụi và tạo ra những vòi phun dung nham trong ngày 14-1.

Người dân xung quanh núi lửa được sơ tán khỏi khu vực. Ảnh: CNN

Phun tro bụi nguy hiểm

Núi lửa Taal, nằm trên đảo Luzon, cách thủ đô Manila khoảng 60km về phía nam, bắt đầu “thức giấc” hôm 12-1, phun những cột tro bụi lên cao tới 14km, báo động về một “vụ phun dung nham” hoàn toàn có thể xảy ra. Viện Núi lửa và địa chấn học Philippines (PHIVOLCS) ghi nhận 335 trận động đất ở khu vực núi lửa - một trong những hoạt động địa chấn mạnh nhất ở nước này - kể từ hôm 12-1 và cho biết sẽ có nhiều cơn địa chấn hơn trong vài ngày tới. “Những trận động đất mạnh, liên tục mới xuất hiện mà chúng ta đang chứng kiến là do đứt gãy, điều đó có nghĩa là magma đang tìm đường trào ra khỏi núi lửa Taal”, bà Mariton Bornas, Trưởng phòng giám sát và phun trào núi lửa thuộc PHIVOLCS, cho biết.

Theo Viện nghiên cứu này, các vòi phun dung nham tạo ra các luồng hơi nước màu xám đen cao tới 800m. Ánh sáng núi lửa cũng có thể nhìn thấy. PHIVOLCS cho biết, các lỗ thoát mới đã mở ra ở sườn phía bắc của núi lửa gây ra tro bụi rơi xuống các thị trấn gần đó. Hình ảnh từ vụ phun trào cho thấy tro trộn với mưa, tạo ra một lớp bùn đen dày phủ kín ô-tô, đường phố và nhà cửa ở một số thị trấn. Tro thậm chí còn nặng hơn tuyết, có nghĩa là khi trộn với mưa lớp tro dày này có thể khiến nhà cửa sụp đổ. Vụ phun trào tro bụi cũng đã làm hỏng nhiều loại cây trồng trong khu vực như ngô và cà-phê, và tiếp tục đe dọa nguồn cá, Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho biết.

Hôm 12-1, tro núi lửa đã lan rộng đến tận thành phố Quezon ở phía bắc Manila, khiến cho tất cả các chuyến bay tại sân bay quốc tế của thủ đô bị tạm ngưng. Theo Giám đốc sân bay Manila, Ed Monreal, hôm 14-1, các chuyến bay đã hoạt động trở lại, mặc dù các chuyến bay có thể bị hoãn một lần nữa nếu hoạt động của núi lửa Taal tăng lên. Hiện sân bay vẫn tắc nghẽn do có quá đông hành khách tồn đọng từ các chuyến bay trước đó.

Núi lửa Taal phun những cột tro bụi lớn lên bầu trời. Ảnh: CNN

Cảnh báo người dân không trở về nhà

Trong cuộc họp ngắn với truyền thông hôm 14-1, Giám đốc PHIVOLCS Renato Solidum cho biết không thể khẳng định chắc chắn khi nào việc phun trào sẽ dừng lại. Hiện chính phủ đã ban bố cảnh báo ở mức 4, có nghĩa là “vụ phun trào” có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày tới. Mức cảnh báo cao nhất là mức năm, có nghĩa là một vụ phun trào đang diễn ra.

Ông Erik Klemetti, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Denison,  cho biết núi lửa Taal thực sự không lớn lắm nhưng nó được coi là núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, do một số lượng lớn người dân sống ở khu vực lân cận. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), có hai khu vực dân cư lớn xung quanh núi lửa. Khoảng 459.000 người cư trú trong một khu vực nguy hiểm có bán kính 14km xung quanh núi lửa, trong khi hơn 930.000 người sống trong vùng nguy hiểm rộng hơn 17km xung quanh. PHIVOLCS đã yêu cầu “tổng sơ tán” trong phạm vi lớn bán kính hơn 17km xung quanh núi lửa. Hàng chục ngàn người từ các tỉnh Batangas và Cavite đã đến trú ẩn trong 118 trung tâm sơ tán tạm thời do chính quyền thành lập hôm 14-1. Tổng số người di tản là không rõ, tuy nhiên, nhiều người chọn cách dọn đến ở với người thân ở các vùng khác của đất nước.

Trước các báo cáo cho biết một số người đang trở về nhà gần khu vực núi lửa để canh tác trang trại hoặc chăn nuôi, các quan chức đã kêu gọi công chúng tránh xa khu vực. Bà Bornas cho biết các vết nứt núi lửa đã xuất hiện và kêu gọi mọi người đừng quay trở lại nhà “vì các cơn địa chấn đang xảy ra thường xuyên hơn và các vết nứt được ghi nhận ở nhiều nơi”. “PHIVOCS nhắc lại sự cần thiết phải sơ tán dân khu vực Đảo núi lửa, Hồ Taal và các khu vực có nguy cơ cao xung quanh núi lửa... nằm trong bán kính 14km từ miệng núi lửa chính”, bà Bornas cho biết.

Chính quyền liên bang đang tiến hành các hoạt động ứng phó và sơ tán. Quân đội Philippines đã cử 20 xe quân sự và 120 nhân viên đến giúp đỡ cư dân bị ảnh hưởng, và Bộ trưởng Quốc phòng cho biết trực thăng đã được chuẩn bị sẵn sàng để sơ tán người dân. Bộ trưởng Quốc phòng cũng kêu gọi người dân gần núi lửa đừng ngần ngại rời khỏi nhà của họ. Các tổ chức viện trợ như Hội Chữ thập đỏ đang hỗ trợ bằng cách gửi đến phương tiện cứu hộ và đồ tiếp tế.

Núi lửa Taal phun trào lần gần đây nhất vào năm 1977, nhưng nó có một lịch sử hoạt động lâu dài. Năm 1965, ngọn núi lửa này, điểm thu hút du lịch nổi tiếng nằm trong một hồ nước đẹp như tranh vẽ, đã giết chết khoảng 200 người.

AN BÌNH