Philippines sau 5 năm "tiến gần hơn" Trung Quốc
Sau 5 năm xoay trục sang Trung Quốc, Philippines có thể đã vỡ mộng khi vẫn chưa nhận được hàng tỷ USD theo cam kết của Bắc Kinh.
Các quan chức Philippines và Trung Quốc tham dự lễ khởi công một dự án đập do Trung Quốc tài trợ ở tỉnh Rizal, Philippines hồi tháng trước. Ảnh: THX |
Trong một tuyên bố, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định ông duy trì được quan hệ "đôi bên cùng thắng" với Bắc Kinh nhưng không nhiều người trong chính giới Philippines nghĩ vậy.
Tại một khu vực gần trung tâm thủ đô Manila, các công nhân xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cây cầu trị giá 69 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vào cuối năm nay sau vài lần chậm trễ. Cầu Binondo-Intramuros này sẽ là công trình đầu tiên trong 14 dự án hạ tầng được thực hiện bằng vốn đầu tư của Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ngay khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte công bố chính sách xoay trục sang Trung Quốc và thực hiện chuyến công du đến nước này nhằm đổi lấy các lợi ích về mặt kinh tế cho Philippines. "Tôi tuyên bố ly khai khỏi Mỹ", ông Duterte phát biểu trước lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.
Lúc đó, nhiều người cho rằng, cam kết đầu tư 24 tỷ USD từ Trung Quốc vào Philippines sẽ được thực hiện kèm theo điều khoản "có qua có lại". Theo cựu Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Ernesto Pernia, người tham gia lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh hồi năm 2016, số vốn khổng lồ trên ngay từ đầu đã gây ra một số nghi ngại.
Và giờ đây, sau 5 năm và trong bối cảnh còn khoảng 10 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, hầu hết các dự án quy mô lớn do Trung Quốc cam kết hỗ trợ đều chưa khởi công hoặc chưa được phê duyệt, và chỉ 3 dự án đang được xây dựng trên thực tế.
Ngoài ra, những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục gây ra những rạn nứt mới trong quan hệ giữa hai nước dù ông Duterte đã đánh đổi bằng cách xích lại gần Bắc Kinh và xa lánh Mỹ - một đồng minh lâu năm của Malina. Thậm chí, ông Duterte từng bày tỏ ý định gạt bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye, Hà Lan để theo đuổi dự án hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông.
Và thực tế hiện nay thổi bùng những chỉ trích của các đối thủ nhằm vào chính sách Trung Quốc của ông Duterte. Ứng viên tổng thống sáng giá, cựu vận động viên quyền anh Manny Pacquiao đã chỉ trích cách thức ông Duterte xử lý tranh cãi Biển Đông với Trung Quốc. Trong khi đó, Phó Tổng thống Leni Robredo, nhân vật được phe đối lập đặt cược cho khả năng thắng cử tới đây, cáo buộc ông Duterte đã quá mềm mỏng trước Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền quốc gia khi ông mô tả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi 2016 là "mớ giấy lộn".
Theo số liệu của cơ quan chức năng Philippines, Trung Quốc đồng ý cung cấp 9 tỷ USD dưới dạng các khoản vay ưu đãi. Nhưng đến năm 2019, tổng số tiền cho vay cộng viện trợ mới đạt 590 triệu USD. Trung Quốc cũng cam kết đầu tư trực tiếp 15 tỷ USD vào Philippines và từ năm 2016 tới 2020, nhưng mới chỉ có khoảng 3,2 tỷ USD được phê duyệt cấp phép.
Chính quyền Tổng thống Duterte vẫn luôn tìm cách bảo vệ chính sách hợp tác với Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez hồi tháng trước tuyên bố Philippines đã thu được nhiều lợi ích kinh tế trong hợp tác song phương. Về vấn đề Biển Đông, chính quyền ông Duterte nói rằng, chính sách Trung Quốc của họ đã phát huy tác dụng, dù thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ "đụng độ nguy hiểm" giữa lực lượng tuần duyên Philippines và phía Trung Quốc.
KHẢ ANH