Phim truyền hình một tập Việt Nam: Dấu ấn của sự trở lại
(Cadn.com.vn) - Lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác chờ đợi đến cuối tuần để xem phim truyền hình một tập Việt Nam. Sự trở lại của dòng phim truyện một tập cho thấy các nhà làm phim đã có sự đầu tư khá kỹ: từ khâu kịch bản đến khâu chọn diễn viên; từ bối cảnh, kỹ thuật quay phim việc trau chuốt chi tiết trong từng bộ phim...Theo đó, dù chưa thật sự xuất sắc, nhưng có thể nói, sự trở lại của dòng phim 1 tập năm 2014 đã chuyển tải được nhiều nội dung, thông điệp cuộc sống đến người xem...
Từ “Đường đến đích” kể về thân phận và nghị lực của những người trẻ bị tật nguyền đã biết vượt lên chính mình để sống đẹp, sống có ích mang tính triết lý nhân văn sâu sắc, đong đầy tình cảm giữa người với người, đến bộ phim “Cây búa màu ánh bạc” khá thành công ở thể loại phim hình sự với nhiều tình tiết hấp dẫn, cách tháo gỡ thắt nút khá thuyết phục khiến người xem vừa thú vị, vừa bất ngờ bởi kết cục bộ phim; hay “Bàn tay đen” phản ánh một khía cạnh gai góc khác của cuộc sống về đề tài nhận con nuôi từ nhỏ nhằm phục vụ cho mục đích đen tối, xấu xa của một bộ phận người sống phi pháp... là những thông điệp cuộc sống mà ê-kíp những nhà làm phim muốn gửi đến khán giả.
Cảnh trong phim "Nỗi đau giấu kín”. |
Song song với các đề tài mang hơi thở của cuộc sống, đề tài về nỗi đau thời hậu chiến cũng được các nhà làm phim thể hiện dưới cái nhìn mới hơn. Trong “Nỗi đau giấu kín”, người xem cảm nhận được sự hy sinh lặng thầm khác. Ở “mặt trận” không có tiếng bom đạn này, nỗi đau do chiến tranh gây ra cũng không kém phần khốc liệt, đau đớn. Đó là câu chuyện về những người lính trở về sau chiến tranh với vết thương tâm hồn và thể xác khiến họ không thực hiện được quyền làm cha; người vợ cũng vì nỗi đau này mà mất đi quyền làm mẹ thiêng liêng, cao cả. “Nỗi đau giấu kín” còn khai thác những góc khuất trong nội tâm con người thông qua bi kịch tình yêu đôi lứa vì chiến tranh không đến được với nhau để rồi sau chiến tranh phải đối mặt nhau trong nghịch cảnh éo le, ngang trái.
Nhưng vượt lên tất cả, những con người có số phận bi kịch ấy đã biết bao dung, vị tha, bởi “cuộc sống không chỉ có tình yêu mà còn vì tình, vì nghĩa”- như lời của nhân vật chính trong phim đã thốt lên. Phim truyện “Vô cảm” của đạo diễn Mai Hồng Phong được đánh giá cao tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc tổ chức tại TP Huế giữa tháng 12 vừa qua với tấm HCV dành cho thể loại phim truyền hình, đạo diễn xuất sắc nhất, đem đến cho người xem một cách làm phim mới và hiện đại. Phim là thông điệp nhắn nhủ, đời người chỉ một lần được sống, phải sống sao cho ý nghĩa với bản thân và với xã hội. Đừng để cho sự vô cảm của chính mình và dưới tác động vô cảm của những con người xung quanh biến thành con rối...
Với thời lượng 90 phút phải làm sao để chuyển tải được nội dung, số phận-thân phận con người, phim truyền hình một tập Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức, ngoài đòi hỏi kịch bản phải hay, nội dung phim phải đa dạng, cô đọng, có tính chắt lọc và nghệ thuật cao, đòi hỏi đạo diễn phải giỏi và bản lĩnh... Sẽ còn nhiều việc cần phải làm hơn nữa để dòng phim một tập chiếm được chỗ đứng trong lòng khán giả truyền hình. Tuy nhiên, với những gì đã, đang thể hiện, có thể nói sự trở lại của dòng phim truyền hình 1 một tập trên kênh truyền hình Việt Nam trong hai năm qua đã tạo được dấu ấn nhất định. Trong thời buổi cạnh tranh phim trường khốc liệt, các nhà làm phim đã có nhiều sự tìm tòi, sáng tạo, trăn trở làm sao để tạo nên một món ăn tinh thần hấp dẫn người xem. Thành công ấy thật đáng ghi nhận!
P.NẾT