Báo Công An Đà Nẵng

Phổ cập internet toàn dân để thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ năm, 17/12/2020 15:16

Nhân kỷ niệm 23 năm Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (1997-2020), ngày 16-12, Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội thảo và Triển lãm Ngày Internet Việt Nam 2020 với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam”. Ngày Internet Việt Nam năm nay tập trung thảo luận các chủ đề về điện toán đám mây, công nghệ 5G, công nghệ mã nguồn mở và công nghệ “Make in Việt Nam”, hướng tới các giải pháp để chuyển đổi số thành công.

Theo báo cáo về Kinh tế số của Hãng Google phát hành tháng 11-2020, số lượng người dùng Internet mới ở Việt Nam đang tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực.

Internet được coi là nền tảng đầu tiên cho việc phát triển hệ sinh thái số đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây 23 năm. Trong giai đoạn mới, việc xây dựng một hệ sinh thái số đang đặt nhiều vấn đề như bảo vệ dữ liệu, tạo dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn an ninh mạng, hướng tới xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn, phục vụ cho sự phát triển của toàn xã hội. Do đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ 3 trụ cột là “Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số” với quan điểm là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tạo cơ hội để nâng cao thứ hạng quốc gia.

Theo báo cáo về Kinh tế số của Hãng Google phát hành tháng 11-2020, số lượng người dùng Internet mới ở Việt Nam đang tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực và cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á  (36 %). Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, việc tăng trưởng số lượng người dùng Internet mới chỉ khoảng 24%.  

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ số phát triển cho phép đưa toàn bộ hoạt động  lên không gian mạng thay vì chỉ số hóa tài liệu, hay là số hóa một vài quy trình như trước đây. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra  tác động lớn trên cả ba trụ cột. Muốn phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh và rộng hơn nữa, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng phải cùng chung tay nhau hành động. 

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên chia sẻ, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước sử dụng Internet nhiều nhất. Với xu hướng Internet trở thành một hệ sinh thái của chuyển đổi số, các chương trình, mục tiêu của Ngày Internet Việt Nam 2020 góp phần giúp các đơn vị hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được tính điểm là 0,66, cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á cũng như thế giới. Việt Nam đang xếp thứ 86 về chỉ số Chính phủ số vào năm 2019, tăng 2 bậc so với năm 2018 và đang đứng thứ 6 trong ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, trụ cột kinh tế số của Việt Nam đạt được một số kết quả khả quan với mức doanh số 14 tỷ USD, tăng trưởng 16%, gần như cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Riêng về xã hội số, Việt Nam chỉ đang ở mức tăng trưởng trung bình ở Đông Nam Á, theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (trong năm 2020, Việt Nam chỉ tăng được 12 điểm với thang điểm 100, theo đánh giá của tổ chức toàn cầu GSMA Inteligent).

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Việt Nam cần mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Bên cạnh đó là việc chú trọng phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh kết nối Internet vạn vật (IoT) và giao tiếp máy - máy; phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân, mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam”. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số “Make in Viet Nam”, làm chủ hạ tầng số quốc gia, không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia và an toàn, an ninh mạng cho mọi hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trên không gian mạng.

NGỌC BÍCH