Báo Công An Đà Nẵng

Phố cổ Huế, làm sao phục hồi?

Thứ hai, 23/04/2018 12:50

Cách đây 10 năm (2008), các sinh viên Quách Đạo Quang, Phạm Xuân Quỳnh Giao đã được Đại học Huế trao giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống” về đề tài “Phố Huế Xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới”. Trong đề tài của mình, các sinh viên cho rằng cần phục hồi phố cổ Huế tại một địa điểm thích hợp và biến dãy phố này thành một khu phố ẩm thực; một làng nghề thủ công truyền thống; một phim trường; một khu phố với các trò chơi dân gian xứ Huế; một khu phố với những tửu quán, rạp hát, các gánh xiếc, các lớp học xưa, các nhà thuốc y học cổ truyền, lò võ cổ truyền; một khu chợ xưa… để phục vụ du lịch, điện ảnh, vui chơi giải trí cho người dân xứ Huế và du khách thập phương. Ý tưởng nói trên chọn khu vực từ cầu Bạch Yến kéo dài đến khu phố cổ Bao Vinh trên các tuyến đường Tăng Bạt Hổ, Tản Đà và Đặng Tất để tạo nên một khu phố xưa…

Các hội quán người Hoa ở phố cổ Gia Hội được bảo tồn rất tốt nên vẫn giữ được vẻ đẹp như xưa.

Tiếc rằng ý tưởng này không được đưa vào thực hiện nên hai khu phố cổ nổi tiếng của Huế là Bao Vinh (xã Hương Vinh, H.Hương Trà) và Gia Hội (các phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu, TP Huế) dần lụi tàn. Trong khi bản thân khu phố cổ Bao Vinh là cụm di tích xếp hàng thứ hai về sự ưu tiên bảo tồn trong quần thể di tích Cố Đô Huế (chỉ sau Kinh thành Huế và các lăng tẩm) còn khu phố cổ Gia Hội thì có mật độ dày đặc về di tích văn hóa – lịch sử.

Song trên thực tế, khu vực tốt nhất để phục hồi phố cổ theo ý tưởng “Phố Huế Xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới” là tại tuyến đường mới mở ven sông Hương, đường Chi Lăng 2, dài 1.200m từ chân cầu Gia Hội đến trụ sở cũ CAP Phú Hiệp. Tuyến đường này còn có khả năng kéo dài đến cầu chợ Dinh. Kiến trúc sư Lê Đông Nguyên cho rằng: “Mục tiêu ban đầu đặt ra làm khu này là để chỉnh trang phố cổ Gia Hội”.  Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì khu phố cổ Gia Hội nằm trên một hòn đảo bao bọc xung quanh bờ sông Hương và sông Đông Ba. Tâm điểm là con đường Chi Lăng, ngày xưa gọi là Dinh Thị Phố. Trước lúc phát triển thành con phố buôn bán thông thương với 8 hàng, khu vực này dành riêng cho các phủ phòng dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, quan chức cao cấp trong triều đình nhà Nguyễn. Tiêu biểu là Dinh Ông - nhà của Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành dưới thời Vua Tự Đức. Kế đến phủ Thọ Xuân của Thọ Xuân Vương -con trai thứ 3 của Vua Minh Mạng, phủ Thoại Vương-con thứ 4 của Vua Thiệu Trị, nhà Cô Nhơn- người đoạt giải nhất cuộc thi ca Huế tại Hội chợ Huế 1937, nhà thờ Thanh Bình của ngành hát bội cả nước. Hệ thống đền chùa, ở đây có đền Chiêu Ứng của người Hải Nam, chùa Quảng Đông, chùa Triều Châu, chùa Phúc Kiến... Thứ hai là phố Minh Mạng xưa (nay là đường Nguyễn Chí Thanh) có phủ Vĩnh Tường, Ngọc Sơn Công chúa từ, tư thất của nhà nghiên cứu âm nhạc Huế Hoàng Yến - nơi hòa nhạc của các danh cầm hồi đầu thế kỷ, lầu ông Hoàng Mười - con thứ 10 của Vua Dục Đức... Ngoài ra còn có tuyến khu vực dọc sông Đông Ba và xóm Ngự Viên có tư thất của bà Tân Điềm - thứ phi của Vua Khải Định, dinh thất và phủ Gia Hưng Vương - con thứ 8 Vua Thiệu Trị, chùa Diệu Đế, nhà thờ họ Kim Hoàn, phủ người con trai út của Vua Minh Mạng... Cuối cùng là khu vực ngã ba sông Đông Ba với chợ Được (hay chợ Mụ Đặng) hình thành dưới thời vua Gia Long.

Có thể nói rằng, Huế sẽ “không phải là Huế” nếu nét dân dã trong đời sống sinh hoạt, trong lịch sử Huế bị phai tàn, mà điều hiển nhiên là hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội là nơi tiêu biểu cho tất cả những gì thuộc về đời sống trong quá khứ của nhân dân Huế, cư dân đất Thần kinh cuối cùng của Việt Nam. Có phần cường điệu, nhưng không phải phi lý khi nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê đã nói: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài Vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”. Điều đó càng thôi thúc phải hồi phục lại hai khu phố cổ này của Huế.

Thiết nghĩ, cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về vốn, kỹ thuật để bảo tồn những di tích còn lại tại hai phố cổ. Hiện tại các di tích cấp quốc gia, những di tích then chốt và mang tính tâm linh tại khu phố cổ Gia Hội như: Thanh Bình thự, các hội quán của người Hoa, các ngôi chùa lớn như Diệu Đế… được bảo tồn rất công phu và kỹ lưỡng. Bên cạnh đó nên kết hợp tổ chức các buổi quảng bá hình ảnh hai khu phố cổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hoạt động du lịch - lễ hội tại hai khu phố cổ một cách thường xuyên để nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn hai khu phố cổ cũng như từ đó gọi mời được du khách và các nhà đầu tư du lịch cùng đóng góp với chính quyền và nhân dân xứ Huế trong việc hồi phục và khai thác tiềm năng của hai khu phố cổ này. Các hoạt động tại hai khu phố cổ trong các Festival Huế đầu tiên như lễ rước đèn, phố ẩm thực… cũng như các tour du lịch trong ngày đưa du khách đến hai phố cổ nên được xây dựng trở lại.

Khả năng phục hồi hai phố cổ Bao Vinh và phố cổ Gia Hội là có thể. Nếu làm được, du lịch Huế sẽ có một sức hấp dẫn khó cưỡng trong lòng du khách.

NGUYỄN VĂN TOÀN