Báo Công An Đà Nẵng

Phố “mới” Túy Loan

Thứ sáu, 25/06/2021 16:49

Ai đó đã từng nói, đến khu phố chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hôm nay vừa cảm nhận được nét đặc trưng giữa “phố và làng”. Với tôi, những đổi thay của vùng quê này diễn ra nhanh quá, nhanh đến nỗi những tên làng khi xưa như Dương Lâm 1, Túy Loan Đông nay cũng sắp trở thành phố “mới”.

Các hoạt động đêm ở Khu phố chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) thu hút nhiều bạn trẻ, trẻ nhỏ tham gia. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng)

Còn nhớ, năm 2005, TP có chủ trương triển khai xây dựng các dự án Trung tâm hành chính huyện, Khu phố chợ Túy Loan… nên khoảng 130 hộ dân ở các thôn Dương Lâm 1, Túy Loan Đông được di dời và bố trí đất tái định cư xung quanh khu phố chợ.  Lúc đó, không ít hộ dân trăn trở: Làm gì để có thu nhập nên nhiều người còn cân nhắc khi bàn giao đất. Bởi, đất đai nơi đây khá màu mỡ, nông dân cần cù chịu khó nên đời sống không đến nỗi quá khó khăn. Nay hàng chục héc-ta đất nông nghiệp và cả khu dân cư hàng trăm năm tuổi lại nằm trong vùng quy hoạch các dự án. Lúc đầu, ruột gan người dân như có lửa đốt. Không có đất sản xuất lấy gì thu nhập. Tiền đền bù đất canh tác không nhiều. Không rõ mai đây, khi vào khu tái định cư sẽ sống ra sao? Song, vấn đề không mới mẻ này được chính quyền các cấp đã đặt ra từ khi có chủ trương giải tỏa chỉnh trang, mở rộng đô thị. Gần trăm lao động vùng giải tỏa được đào tạo chuyển đổi ngành nghề và nhiều giải pháp an dân cho vùng giải tỏa được triển khai đồng bộ, số người tìm được việc làm ổn định ngày càng nhiều. 

Bây giờ, nói về sự hình thành, phát triển các dự án ấy, ai nấy cũng đều phấn khởi bởi nơi ở mới cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhà cửa, phố xá khang trang. Làng quê được khoác “áo mới” và trở thành nơi “đáng sống”, đặc biệt là sau 10 năm các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Ánh (thôn Dương Lâm 1) phấn khởi trải lòng: “Người nông dân chúng tôi đã bỏ lại sau lưng những ngôi nhà cũ kỹ để xây những ngôi nhà tầng mặt phố. Ai đó, dù có “khúc mắc” với chủ trương giải tỏa để triển khai xây dựng các dự án trước đây, giờ cũng không thể phủ nhận một sự thật- đó là đời sống của gia đình nào cũng hơn hẳn khi chưa giải tỏa, di dời”.

Có thể thấy, khác với cái mộc mạc, chân quê trước đây, một phố “mới” đang từng bước hiện hữu giữa vùng thuần nông này như minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của một miền quê đang trên đà cất cánh. Trục đường Quảng Xương dài hơn 400m có điểm đầu từ Trung tâm hành chính H. Hòa Vang qua thôn Dương Lâm 1, vòng quanh chợ Túy Loan rồi đến điểm cuối thôn Túy Loan Đông vốn yên tĩnh về đêm; nay thì khác, khi hoàng hôn buông xuống là lúc cả khu phố lên đèn, từng tốp người nối nhau lui tới đây để gặp gỡ bạn bè; từng nhóm nam thanh, nữ tú quây quần có khi chỉ vài ly nước, đĩa hạt dưa hoặc các món ẩm thực dân dã như mì Quảng Túy Loan, bánh tráng nướng Túy Loan với những hương vị đặc trưng truyền thống; bên cạnh đó là hàng chục tiệm tạp hóa ven đường với đa đạng vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm sẵn sàng mời gọi… 

Anh Hồ Văn Sơn (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tuy sinh sống, làm việc ở vùng nội thành, nhưng gia đình tôi vẫn thường xuyên chạy xe máy về Hòa Phong, vì đây là nơi tôi sinh ra và từng sống quãng đời niên thiếu với bao kỷ niệm vui, buồn. Thời gian gần đây, lần nào trở về thăm quê, gia đình tôi cũng được người thân đưa ra Khu phố chợ Túy Loan để cảm nhận sức sống mới của quê hương mình. Đi liền đó, còn là những con người hiếu khách, gìn giữ bản sắc văn hóa làng quê, đầy nhiệt huyết để cởi mở các tấm lòng gần xa”.

VY HẬU