Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói về bảo vệ quyền lợi khách hàng gửi tiền sau vụ MSB
Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua có câu chuyện tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất, có những vi phạm có thể do cá nhân, tập thể, hoặc do ngân hàng, nhưng lỗ hổng có tính chất hệ thống thì không. Vi phạm diễn ra ở một số ngân hàng, tổ chức, đơn vị, hoặc phòng giao dịch, hoặc vi phạm do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó. Hoặc do vi phạm tiêu cực của cá nhân cán bộ ngân hàng, do sự chủ quan, thậm chí có những trường hợp thông đồng với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi tiêu cực, không chỉ lừa nhau mà lừa cả ngân hàng.
Về việc Giám đốc chi nhánh MSB Thanh Xuân (Hà Nội) Bùi Thị Hoài Anh bị bắt vì chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của MSB. Trên cơ sở kiểm soát hoạt động, MSB đã phát hiện ra rủi ro này và đã chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra vụ việc từ tháng 10-2023. Hiện nay Bộ Công an đang khẩn trương điều tra xác định trách nhiệm. Để xác định là trách nhiệm của ai, ở đâu, do ngân hàng hay cá nhân thì phải chờ kết luận của cơ quan công an.
“Tuy nhiên, những quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ. Nếu ngân hàng hay cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh có sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng nếu khách hàng thực hiện đúng quy định”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ông cũng mong muốn, ngoài quy định cụ thể mà mỗi bên phải thực hiện, khách hàng cần luôn quan tâm đến quyền lợi của mình. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng có cơ chế thông báo kiểm soát số dư tiền gửi của khách hàng trong tài khoản, khách hàng cần kiểm tra tài khoản của mình, “không phải chỉ gửi rồi đến lúc rút tiết kiệm mới quan tâm đến khoản tiền gửi đó”, bảo vệ thông tin bí mật trong quá trình sử dụng thẻ, mở tài khoản giao dịch, gửi tiền tiết kiệm.
+ Cũng tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng trả lời về tình hình giá đô-la Mỹ tiếp tục tăng nóng, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Theo ông, tỷ giá hiện nay đang rất nóng. Năm 2023, việc điều hành tỷ giá có những lúc rất khó khăn vì những chính sách kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Quý I-2024, tỷ giá nóng lên, đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm, cần điều hành một cách tập trung.
Lý do tỷ giá chịu áp lực tăng trong thời gian qua là do FED chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất nên giá trị đồng đô-la tăng cao những ngày qua. Mức tăng của đồng đô-la dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực, tác động đến đồng tiền Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng đô-la. Bên cạnh đó là chính sách hạ lãi suất của ngân hàng Việt Nam rất mạnh thời gian qua đã tạo sự bất cập chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và đồng đô-la Mỹ, lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất đồng đô-la trên thị trường liên ngân hàng, là áp lực cho tỷ giá nóng hơn.
Thêm nữa, trong 3 tháng đầu năm, hoạt động nhập khẩu tương đối tích cực, nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu nhiều hơn giai đoạn trước. Ngoài ra, có một số chính sách khác có thể tác động đến chính sách tỷ giá.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế linh hoạt để đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp với xu thế chung, đảm bảo sự ổn định chung của đồng tiền, hài hòa trạng thái ngoại tệ, duy trì trạng thái dương, đảm bảo cân đối ngoại tệ cho nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế. Muốn làm được điều đó, phải có công cụ. Ngoài công cụ chính sách điều hành tiền tệ nói chung, ông mong các cơ quan báo chí truyền thông tạo niềm tin cho thị trường. Chính phủ điều hành quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước luôn sử dụng công cụ một cách tích cực để đảm bảo được mục tiêu ổn định tỷ giá.
CHU THANH VÂN