Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục bão Nari tại miền Trung
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Trung ương đã kiểm tra thực tế công tác khắc phục bão Nari (bão số 11) tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục bão tại khu bờ kè Phước Yên, xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên 3 hộ dân xã Đại An bị thiệt hại nặng sau bão số 11. Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, H. Đại Lộc tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, nhất là khi nước lũ rút, phải kịp thời giúp dẫn khắc phục, sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, đảm bảo lương thực, thực phẩm và thuốc men cho các vùng lũ bị cô lập, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND H. Đại Lộc cho biết, cho đến 10 giờ 30 sáng 16-10, nước lũ do mưa lớn và xả lũ tại các công trình thủy điện khiến nhiều vùng bị ngập lũ nặng và đã rút xuống dần nhưng vẫn còn trên mức báo động 2. Vì thế, vẫn chưa thể thống kê hết tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra, song dự báo là rất nặng nề, đặc biệt là Trạm phát sóng của Đài phát thanh- Phát lại truyền hình huyện ở xã Đại Quang bị bão giật đổ, mọi thông tin qua trạm phát song bị tê liệt hoàn toàn.
Sau bão, toàn H. Đại Lộc có 25 người bị thương, 3.500 nhà bị sập và tốc mái trong đó xã Đại An có hàng trăm nhà bị sập, tốc mái hoàn toàn. Gió lớn đã làm cột ăng ten của Đài Phát thanh và truyền hình huyện bị hư hại nặng. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, trước khi bão đến đã tiến hành di dời trên 6.000 hộ dân. Sau bão, có 3 người chết và 6 người bị thương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục bão tại H. Đại Lộc sáng 16-10. |
Tại TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác khắc phục bão tại tuyến đường Hoàng Sa. Đây là tuyến đường bị thiệt hại nặng về hệ thống cây xanh, hệ thống nhà hàng, ăn uống, ngư cụ của ngư dân và sạt lở bờ biển với khối lượng đất đá lớn. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chính quyền TP Đà Nẵng chỉ đạo khắc phục kịp thời hậu quả trên tuyến đường này để việc lưu thông thuận tiện trong thời gian sớm nhất.
Tiếp đến, Phó thủ tướng thăm và tặng quà những hộ dân có nhà bị sập tại phường Thọ Quang và trường Hoàng Văn Thụ. Đồng chí động viên các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Riêng Trường Hoàng Văn Thụ phải sửa chữa ngay sự cố tốc mái tôn để học sinh tiến hành vào học ngay trong ngày 17-10.
Sau chuyến kiểm tra thực tế tại H. Đại Lộc và một số khu vực của Đà Nẵng bị thiệt hại nặng do bão, lúc 11 giờ cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương của Đà Nẵng, TT- Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam tại văn phòng Thành ủy Đà Nẵng để nghe báo cáo tình hình thiệt hại và có chỉ đạo khắc phục bão, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Báo cáo với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết: Trước khi bão vào, đã chỉ đạo kêu gọi ngay trên 1.800 tàu thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận với trên 7.000 ngư dân vào trú ẩn tại âu thuyền nên tình hình tàu thuyền rất an toàn. Bên cạnh đó, thành phố tiến hành di dời, cưỡng chế trên 11.000 hộ dân ở vùng trọng yếu đến nơi an toàn như khu chung cư, trường học, nhà cộng đồng. Nhờ chủ động, trong và sau bão, TP Đà Nẵng không có người chết ngoài 11 trường hợp bị thương. Hiện công tác cứu chữa những nạn nhân này cũng đã được tiến hành khẩn trường.
Về nhà cửa, tổng cộng có 122 nhà sập hoàn toàn, chủ yếu là khu vực ven biển, ven sông; 178 nhà sập 1 phần, tốc mái gần 4.000 nhà (ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng). Tổng thiệt hại do bão gây ra cho toàn TP ước tính 868 tỷ đồng, chưa kể các doanh nghiệp, cơ sở. Ngay sau khi bão tan, Ban chỉ huy tiền phương đã gồng mình khắc phục, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, khảo sát để tập trung khắc phục, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Với những hộ dân bị sập nhà hoàn toàn thì TP bố trí chung cư cho ở. Song song đó, đề nghị các lực lượng CA, quân đội và các lực lượng đoàn thể khác tiến hành ra quân giúp dân, khắc phục hậu quả, nhất là khắc phục hệ thống cây xanh do bão lớn đã đổ gãy rất nhiều.
Đồng chí Văn Hữu Chiến cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho Đà Nẵng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, mong các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ để TP mở rộng âu thuyền để tàu thuyền tránh trú trong những mùa bão sau.
Về Quảng Ngãi, công tác di dời dân, phòng chống nhà cửa cũng được chính quyền địa phương chuẩn bị tốt nên không bị thiệt hại nhiều, không có người chết ngoài 6 người bị thương do bất cẩn. Bị nặng nhất là các huyện giáp Quảng Nam như huyện đảo Lý Sơn, Tịnh Sơn, Trà Bồng. Cụ thể, có 9 nhà bị sập hoàn toàn và 1 phần, hơn 500 nhà bị hư hỏng, tốc mái; tốc mái 15 trường, 10 trạm y tế, chủ yếu nằm ở Lý Sơn; hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại; thủy lợi do mưa lớn nên hư hỏng nhiều 40.000m khối bị trôi. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 65 tỷ đồng.
Riêng địa bàn TT- Huế có 2 người chết, do chủ quan. Nhà cửa bị sập, tốc mái khoảng hơn 600 nhà, hệ thống cây xanh và nhiều khu trồng cao su bị hư hại nặng, hiện đang chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ cho nhân dân.
Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hỏi thăm ân cần đến tất cả những người dân bị thiệt hại do bão, nhất là những hộ dân bị sập nhà, thiệt hại nặng về tài sản, đồng thời biểu dương chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc chủ động đối phó, phòng ngừa bão số 11. Dù bão Nari rất lớn, nhưng các địa phương đã nỗ lực trong công tác phòng ngừa nên ít thiệt hại về người. Điều đó thể hiện công tác chỉ đạo chủ động phòng chống bão rất quyết liệt, nhất là việc di dời dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho các địa phương và các ngành kinh phí để ổn định cuộc sống, tuy nhiên trước mắt mỗi địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả để nhân dân ổn định cuộc sống, học sinh kịp thời đến trường. "Nhất quyết không được địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói, không có nhà ở sau bão. Cùng đó, phải chủ động triển khai công tác phòng ngừa, chống dịch bệnh và đề phòng mưa lũ xuất hiện sau bão" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Công Hạnh-Quang Sang