Báo Công An Đà Nẵng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão Haiyan tại miền trung

Thứ bảy, 09/11/2013 19:58

* Đà Nẵng lập Đội cứu hộ cứu nạn phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai

 (Cadn.com.vn) -  Chiều 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão HaiYan tại âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng). Kiểm tra tình hình kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn ở âu thuyền Thọ Quang, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải hết sức cương quyết đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, không để người trên tàu nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho toàn bộ ngư dân của Đà Nẵng.

Phó thủ tướng kiểm tra công tác đối phó bão tại âu thuyền Thọ Quang.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan tại Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 5 (TP Đà Nẵng). Phó Thủ tướng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền, Bộ CA, Bộ QP, Quân khu 5, đặc biệt hệ thống chính trị các tỉnh, thành đã quán triệt, triển khai sáng tạo, nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, các vùng nguy hiểm ven biển đã sơ tán hiệu quả người dân đến nơi an toàn, nhất là đưa tất cả tàu, thuyền vào nơi trú bảo an toàn. Chính quyền đã hướng dẫn các hồ xả lũ thực hiện đúng quy trình, chưa thấy kêu về vấn đề này, nhất là người dân được hướng dẫn chằng chống, bảo vệ nhà cửa, công trình rất tốt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn nghiêm túc lưu ý các địa phương phải kiên quyết đưa tàu thuyền còn ở vùng nguy hiểm vào bờ (hiện còn 7 tàu Quảng Ngãi đang di chuyển vào bờ theo chỉ đạo-PV), một số người dân vẫn chủ quan ở trong nhà có độ an toàn thấp phải sơ tán theo quy định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác sơ tán dân đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơn bão HaiYan hết sức phức tạp, cấp độ bão rất mạnh, vùng mưa rất lớn, hướng di chuyển rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển miền Trung và phía Tây Tây Nguyên. Vì vậy tinh thần lớn nhất là không được chủ quan coi thường. Ngành nào, lực lượng nào có tư tưởng chủ quan phải chịu trách nhiệm trước đảng, Chính phủ và trước dân. Đề nghị tất cả các tỉnh thành vào cuộc quyết liệt nhất, những gì còn chưa ổn, chưa yên tâm phải làm ngay trong đêm nay từ việc di dời dân đến cưỡng chế ngư dân trên tàu trở về nhà.

Công trình cao tầng tiến hành tháo dỡ cần cẩu chống bão.

Phó Thủ tướng chỉ đạo 9 giải pháp đối phó bão: Kiên quyết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm trước 19 giờ; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đúng quy định, cần thiết cưỡng chế ngư dân ở trên tàu lên bờ; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học hiệu quả; đặt Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 5 và các Sở chỉ huy ở các tỉnh, 21 giờ đêm hội ý về phòng chống bão; quán triệt tinh thần 4 tại chỗ nhưng các lực lượng sẵn sàng phương tiện và lực lượng cứu nạn cứu hộ khi tình hình xấu, nghiêm trọng bão đổ bộ; tiếp tục thông tin thường xuyên đến người dân, không để người dân chủ quan; quản lý chặt vấn đề xả lũ của các công trình thủy điện, lưu ý sau bão là lũ, không được để dân đói rét, chịu cảnh màn trời chiếu đất; thường xuyên trực báo cáo, xử lý kịp thời thông suốt mọi cấp mọi ngành để chỉ đạo khắc phục hậu quả, kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp…


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác ứng phó bão HaiYan
tại cảng Dung Quất.

Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác chính phủ đã thị sát và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi kịp thời chỉ đạo ứng phó siêu bão Hai Yan – cơn bão số 14. Đoàn công tác đã kiểm tra công tác ứng phó với bão tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cảng Dung Quất, Trung tâm văn hóa Bình Sơn-nơi có 8.000 hộ dân được sơ tán đến trú bão. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải khẩn trương hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Kiên quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm và đưa toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, cũng như dừng tất cả các hoạt động của công trình để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải cham lo đầy đủ ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men cho người dân sơ tán ở các trung tâm và ngay sau bão, các cấp ngành phải nhanh chóng hỗ trợ người dân, không để dân thiếu ăn, thiếu áo, bất cẩn xảy ra tai nạn. Không để chủ quan gây chết người mất của trong nhân dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc men, không để dân đói,  dịch bệnh phát sinh.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Duy Xuyên và công trình cầu Cửa Đại (Quảng Nam)

* Tại cuộc họp, đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng cho biết, để đối phó với Bão HaiYan, ngày 9-11, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định thành lập Đội Cứu hộ- Cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai. Đội Cứu hộ-Cứu nạn gồm 3 đội:  Đội cứu hộ trên sông do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chỉ huy gồm 9 phương tiện và lực lượng với 8 ca nô và 1 xe cấp cứu sẽ phối hợp với các địa phương các vùng ven biển giúp sơ tán dân; sau khi bão tan tiến hành  cứu vớt, phục vụ cho việc tiếp tế lương thực đến các vùng bị cô lập.

Đội ứng cứu sập đổ công trình do Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ huy) với xe tải, xe đào, xe xúc, xe nâng, phương tiện cơ động sẽ phối hợp giúp địa phương sơ tán dân, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học…Sau bão tiến hành cứu, kéo người bị nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ. Đội ứng cứu khẩn cấp trong bão với 2 xe thiết giáp PTR152 và các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy quân  sự thành phố, sẽ hỗ trợ lãnh đạo đi thị sát, chỉ huy nắm tình hình; sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp như cấp cứu người bị nạn…



Người dân Đà Nẵng chủ động ứng phó siêu bão.

Chủ tịch Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: “TP đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhìn chung, nhân dân đã có ý thức rất cao trong công tác phòng tránh bão, Trong ngày 9-11, TP đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong việc vận động, di dời dân. TP đã thành lập đội cứu hộ trên sống, đội cứu hộ sập đổ công trình, đội ứng cứu khẩn cấp trong bão. Theo đó, sẽ xử lý ngay khi nhận tin hỗ trợ của các địa phương cần. Về tàu thuyền, đã có gần 1.500 tàu thuyền tránh trú bão và không còn tàu thuyền nào hoạt động ngoài khơi. Yêu cầu tất cả ngư dân không được ở trên tàu, không để tình trạng sợ mất đồ đạc hơn mất tính mạng”. Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng, đến chiều ngày 9.11, tình hình tại các hồ chứa đã đầy, UBND huyện Hoà Vang chỉ đạo và tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước theo phương án phòng, chống lụt bão các hồ chứa nước; tổ chức trực hồ chứa 24/24 giờ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.

 

Một số hình ảnh phóng viên Báo CATP Đà Nẵng ghi lại người dân phường  Hòa Hiệp Bắc sơ tán dến nơi trú bão an toàn:







Công Hạnh-Quang Sang