Báo Công An Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thể chế vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước

Chủ nhật, 01/12/2013 23:21

(Cadn.com.vn) - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động lập pháp ở nước ta.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Còn nhiều bất cập

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những thành quả lớn đã được trong thời gian qua của hai đạo Luật này, như đã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng pháp luật theo hướng minh bạch, dân chủ, huy động sự tham gia của cả xã hội vào quá trình xây dựng văn bản; giảm bớt một số loại, hình thức văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương; đã và đang từng bước lồng ghép thành công hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính vào từng giai đoạn của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các ngành, các cấp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại của hệ thống pháp luật hiện nay. Đó là hệ thống pháp luật và cách thức xây dựng, thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính cụ thể, chưa phù hợp, thiếu khả thi, tính dự báo chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu tính thống nhất, chưa minh bạch, Luật “khung”, Luật “ống” còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện của lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương về vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chưa dành đủ nguồn lực về con người, thời gian và kinh phí cho công tác này; chưa có cơ chế bảo đảm sự tham gia, giám sát của người dân và xã hội đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thể chế vẫn là một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước. Một trong những điều kiện cần thiết, quan trọng để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế là cần tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế và quy trình xây dựng pháp luật phù hợp với sự phát triển năng động của kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, cụ thể, khả thi, hợp lý, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tăng cường tính công khai, minh bạch của pháp luật; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; kiên quyết khắc phục mặt yếu của hệ thống pháp luật hiện hành là rườm rà, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính tổng thể, bị động, lúng túng trước yêu cầu của thực tiễn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Trong ảnh: Tại một điểm tiếp dân.

Thể chế hóa định hướng chiến lược

Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật; tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Các cấp, các ngành khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi), nhất là các quy định liên quan đến nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; cần nghiên cứu để cụ thể hóa, xác định rõ thẩm quyền về hình thức và nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mỗi cơ quan, mỗi cấp chính quyền, bảo đảm cơ chế phân công và kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong quy trình lập pháp, lập quy.

Phó Thủ tướng chỉ rõ cần phát huy vai trò của hoạch định chính sách trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải là công cụ pháp lý bảo đảm cho quy trình đề xuất, xây dựng, trình và thông qua chính sách trở thành khâu trung tâm của toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật, trước hết là các luật, pháp lệnh, các nghị định của Chính phủ. Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước phải được luật hóa thành các quy định cụ thể, phù hợp, khả thi, phản ánh hơi thở cuộc sống.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, giúp Chính phủ bảo đảm tổ chức thi hành có hiệu quả các luật, pháp lệnh, thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Thanh Vân – TTXVN