Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Sự kiện trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ 2019 (TechDemo) đã chính thức khai mạc vào tối ngày 24-11 tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là sự kiện mang tầm vóc quốc gia về KHCN do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, các địa phương cùng tham dự.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ. |
Sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ 2019 được tổ chức tại Gia Lai với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp (DN) và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Qua đây, là dịp để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của DN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông qua với những nội dung, hoạt động tiêu biểu còn là dịp đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài, phát huy vai trò của DN trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, sự kiện trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ được cho là để giới thiệu, tổng kết lại kết quả chuỗi các hoạt động trong năm 2019, với sự tham gia của các DN, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN Việt Nam và quốc tế với nhiều nội dung, hoạt động, như: trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên; tư vấn cho DN; xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư; ký kết hợp tác đầu tư khoa học công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá trong những năm gần đây nền kinh tế của Việt Nam đang có sự chuyển dịch với mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Điều đó cho thấy KHCN có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục tăng cao trong khu vực và cả thế giới. Đó là kết quả thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cùng các giải pháp tập trung vào thu hút các nguồn lực của xã hội, cho KH&CN.
Phó Thủ tướng lưu ý, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Việc tiếp cận với công nghiệp thông minh ở nước ta còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng cũng nhận định, DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần phải có sự đổi mới sáng tạo để tạo đột phá. Nhân sự kiện này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: về tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với DN là trung tâm; đào tạo về con người; hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ về việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; hình thành cơ sở dữ liệu chung về công nghệ; mở rộng hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; xã hội hóa mạnh các dịch vụ KH&CN, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy ứng dụng kết hợp với sự phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội”.
MINH TÂN
Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh tự do thương mại toàn cầu Nằm trong chuỗi sự kiện “Trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ năm 2019”, ngày 25-11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2019. Hội nghị nhằm tạo diễn đàn để các trung tâm chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cùng thảo luận với các nhà quản lý để tìm ra giải pháp tối ưu thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu và làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong liên kết chuyển giao công nghệ giữa các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương với hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đưa sản phẩm của trung tâm vào thị trường; mô hình liên kết chuyển giao công nghệ giữa trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ; giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả của các trung tâm khi thực hiện mô hình hoạt động mới... Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... có xu hướng đầu tư về Việt Nam, tạo ra dòng chảy công nghệ của các nước về Việt Nam, nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm để tiếp nhận, chuyển giao các dự án đầu tư, trong đó có công nghệ. Do đó, các Sở KH&CN cần nắm vững chuyên môn, tham mưu cho các tỉnh, thành phố tiếp nhận những công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng... tránh tiếp nhận các công nghệ lạc hậu vì Việt Nam không muốn trở thành “bãi rác công nghệ”. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp và thực hiện các dự án đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp là cần thiết. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố cần tham mưu cho các tỉnh, thành phố tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu tại địa phương, sau đó kết nối cơ sở dữ liệu với Trung ương, tiến xa hơn đến trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT)... P.V _______ Phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ Sáng 25-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần III - năm 2019, tại Hội trường 2-9, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tham dự Đại hội còn có lãnh đạo đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Gia Lai, các mẹ Việt Nam Anh hùng cùng 250 đại biểu của 34 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần III - năm 2019 đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (2014-2019) của vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trọng tâm là kết quả giảm nghèo bền vững; đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn. Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh tiếp tục ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế vùng dân tộc thiểu số một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai phải quan tâm, sâu sát hơn nữa, kịp thời triển khai hiệu quả các nguồn lực, chính sách, hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh. H.Đ |