Báo Công An Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục một cách đồng bộ để đảm bảo hiệu quả thực sự

Thứ năm, 13/02/2014 23:43

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-2, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; đánh giá công tác phổ cập giáo dục và đổi mới thi, tuyển sinh năm 2014.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm phát huy những ưu điểm của nền giáo dục hiện nay, nhanh chóng khắc phục những yếu kém, cần đặc biệt là chú ý dạy chữ đi đôi với dạy người... Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có khoảng hơn 21,75 triệu học sinh, sinh viên. Trong học kỳ I, toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác quản lý giáo dục được đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, việc giảm số môn thi
sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Đổi mới thi là cần thiết

Tại hội nghị, những nội dung điều chỉnh phương án thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 và những năm trước mắt là vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình với báo cáo đánh giá học kỳ I của Bộ và chủ trương điều chỉnh phương thức kiểm tra đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm xuống còn 4 môn. Theo các đại biểu, việc giảm số môn thi sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh, phụ huynh học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp mới sẽ đánh giá được cả quá trình học tập của học sinh chứ không phụ thuộc vào 6 môn thi như những năm trước đây, như vậy sẽ giúp học sinh giảm bớt rủi ro, đánh giá tốt năng lực học sinh theo quá trình.

Vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau về phương thức xét miễn thi tốt nghiệp, tỷ lệ miễn thi 20%, môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn hay khuyến khích. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình Đoàn Đức Liêm, Bộ Giáo dục nên nắm vai trò quyết định trong việc xác định các tiêu chí miễn thi, từ đó nêu ra các tiêu chí cứng để các địa phương lấy làm căn cứ xét, như thế sẽ đảm bảo không có chênh lệch giữa các địa phương. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum Nguyễn Sỹ Thư cho biết: Tỷ lệ miễn thi được xác định theo từng trường thì sẽ dẫn đến mất cân bằng, gây thiệt thòi cho những trường có lượng học sinh giỏi lớn. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể cần có những tiêu chuẩn cơ bản để từ đó, các Sở cụ thể hóa tiêu chí cho địa phương mình, không xác định theo từng trường mà lập hội đồng xét của tỉnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, môn ngoại ngữ không nên chỉ là môn khuyến khích mà cần đưa vào môn bắt buộc hoặc tự chọn. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, hiện nay các tỉnh thành, các trường đều đang nỗ lực để nâng cao chất lượng môn học này. Đó là chưa kể, nếu là môn thi khuyến khích thì học sinh sẽ có tâm lý cứ đăng ký khiến trường phải tổ chức phòng thi, nhưng đến lúc thi có thể các em không dự thi và gây lãng phí. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TT-Huế cũng cho rằng: Lâu nay ngoại ngữ vẫn là môn bắt buộc, chúng ta cũng đang đẩy mạnh đề án dạy ngoại ngữ, vì thế ít nhất phải thi tự chọn môn này. Nếu chỉ đưa thành môn thi khuyến khích thì việc học ngoại ngữ sẽ chùng xuống.

Cần đổi mới quản lý mạnh mẽ hơn

Hiện nay, công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới; các tiêu cực trong giáo dục vẫn còn gây bức xúc ở một số nơi; cơ sở vật chất thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu... Việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn chậm, việc giải quyết chế độ chính sách cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên kéo dài ở một số địa phương còn chậm được khắc phục. Để giải quyết tất cả những bất cập nêu trên, cần nhất là phải đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy và nhất là công tác quản lý giáo dục ở tất cả các cấp.

Trong học kỳ 2 năm học 2013 - 2014, toàn ngành giáo dục và đào tạo tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục quán triệt nghiên cứu, học tập Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá và thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng đồng bộ, khách quan, minh bạch...

Hội nghị cũng đã quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tại đây, các đại biểu đã cùng tìm hiểu rõ hơn những nội dung chính của Nghị quyết, tập trung vào các vấn đề trọng điểm như “lộ trình đổi mới”, “mục tiêu cụ thể của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, những nội dung mới so với mục tiêu lâu nay đã xác định”, “dạy học tích hợp và dạy học phân hóa”.

N.Anh – TTXVN