Báo Công An Đà Nẵng

Phối hợp quản lý chặt tiền chất, không để lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp

Thứ tư, 17/03/2021 14:38

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy thời gian qua cho thấy, bên cạnh việc mua bán, vận chuyển, thẩm lậu trái phép các loại ma túy từ nước ngoài vào nội địa nước ta, đã xuất hiện tình trạng đối tượng phạm tội tổ chức điều chế, sản xuất trái phép ma túy tổng hợp nhằm mục đích tiêu thụ ngay tại nội địa. Đây là thủ đoạn hoạt động mới, đặc biệt nguy hiểm, nếu không được kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tổ công tác liên ngành TP Đà Nẵng tổng kết công tác năm 2020.

Theo thống kê chưa đầy đủ của lực lượng CSĐTTP về Ma túy (CSMT) trong cả nước, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng điều chế, sản xuất trái phép ma túy tổng hợp MTTH) tại một số địa phương trên cả nước, thu giữ hàng trăm ki lô gam ma túy. Gần đây nhất là vụ CATP Hồ Chí Minh triệt xóa đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do Văn Kính Dương (ở Hà Nội) cùng 14 đối tượng đã sản xuất khoảng 300kg MTTH, thu giữ gần 5 tấn tiền chất, hóa chất các loại.

Tại Đà Nẵng, mặc dù tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, tuy nhiên cơ bản các lực lượng chức năng, trong đó CATP với vai trò chủ công, nòng cốt vẫn kiểm soát tốt tình hình; tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục được kiềm chế, không phát sinh các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp. Tội phạm buôn bán ma túy chủ yếu là nhỏ, lẻ; chưa phát hiện các vụ việc liên quan đến điều chế, sản xuất ma túy từ tiền chất. Mặc dù vậy, do số lượng người nghiện ma túy tiếp tục có xu hướng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, chuyển dần từ sử dụng heroin sang các loại MTTH nên không loại trừ khả năng các đối tượng lợi dụng địa bàn thành phố và các địa phương lân cận làm địa điểm thu gom, điều chế, sản xuất trái phép các loại ma túy từ các tiền chất, hóa chất có trên thị trường.

Nhận thức được vấn đề, ngày 26-7-2019, CATP đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Cục Hải quan, Sở NN&PTNT tham mưu đề xuất UBND TP ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn và thành lập Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng chức năng của TP triển khai hiệu quả các hoạt động kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng, chống việc lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quản lý các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất, hóa chất công nghiệp để điều chế, sản xuất trái phép các chất ma túy trên địa bàn.

Các tiền chất trong hoạt động công nghiệp, y tế, NN&PTNT nếu không được kiểm soát chặt chẽ, bọn tội phạm sẽ lợi dụng để sản xuất MTTH.

Tại hội nghị tổng kết công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn TP năm 2020 vừa được tổ chức ngày 16-3, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc CATP, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành cho biết, trong năm qua, do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình hình mưa bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng lớn đến tất cả các mặt công tác của Tổ liên ngành, thế nhưng các đơn vị có liên quan đã chủ động tham mưu khắc phục khó khăn, hoàn thành các mặt công tác trên tinh thần không để thất thoát các tiền chất và kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền chất được nhập vào Đà Nẵng được sử dụng đúng mục đích, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, không để tội phạm lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng để hoạt động phạm tội.

Cũng theo Đại tá Trần Mưu, trong năm 2020, qua theo dõi, giám sát theo chức năng quản lý nhà nước của các đơn vị phối hợp cho thấy chưa phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật nào có liên quan đến các hoạt động vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sản xuất, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất trong lĩnh vực y tế, NN&PTNT, công nghiệp, nghiên cứu, giám định và đấu tranh phòng chống tội phạm. "Các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực này đều thực hiện đúng các quy định về chế độ thông tin, báo cáo, thống kê gửi các cơ quan chủ quản theo đúng quy định của pháp luật", Đại tá Trần Mưu cho hay.

Để nâng cao hiệu quả công tác và chịu trách nhiệm liên đới trong hoạt động phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp có liên quan đến ma túy trong thời gian tới, Tổ Công tác liên ngành đề nghị các đơn vị có liên quan cần bố trí, phân công cán bộ chuyên trách phụ trách công tác này; đồng thời đề nghị UBND TP bố trí nguồn kinh phí phù hợp để duy trì hoạt động của Tổ Công tác, nhất là trong việc tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, mua bán, sản xuất, bảo quản, phân phối các loại tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế, thú y...

D.Hùng