Báo Công An Đà Nẵng

“Phôn tặc” phủ sóng vùng cao

Thứ năm, 31/10/2013 09:54

(Cadn.com.vn) - Các chiêu thức lừa đảo qua điện thoại không còn mới và người dân tại các vùng đồng bằng cũng đã cảnh giác hơn, vì vậy những đối tượng lừa đảo lại nhắm đến cộng đồng dân tộc thiểu số các vùng sâu, vùng xa...

Ông Ksor Bơi (buôn Bir, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai) vẫn nhớ như in việc mình bị kẻ lừa đảo “dụ” lấy mất cả số tiền vụ bán đậu xanh cách đây hơn 3 tháng. Chiều hôm đó, như thường lệ ông Ksor Bơi đi làm cỏ lúa về thì chuông điện thoại réo vang. “Mình bắt máy lên thì có một người đàn ông giọng trẻ lắm, nói với mình là nhân viên của Chi nhánh Viettel Gia Lai. Mình chưa kịp hỏi gì thì nó chúc mừng mình vì mình đã trúng thưởng trong đợt quay số của Chi nhánh Viettel Gia Lai.

Thoạt nghe người mình run lên vì họ nói mình không những trúng 300 triệu đồng mà còn trúng cả chiếc xe máy tay ga trị giá gần 70 triệu đồng”, ông Ksor Bơi kể lại. Tưởng như được đổi đời, ông Bơi cầm điện thoại hỏi lại 2, 3 lần thì “nhân viên Viettel” này vẫn nói như vậy. Chưa kịp báo tin vui cho bà con, hàng xóm biết thì một lúc sau điện thoại của ông lại đổ chuông dồn dập, lần này thì “nhân viên Viettel” đề nghị thẳng thừng: để nhận được phần thưởng trị giá trên thì ông Bơi phải nộp cho Chi nhánh Viettel Gia Lai số tiền 1 triệu đồng bằng cách mua card điện thoại rồi đọc mã số trên đó cho anh ta.

Nay Đuk và những người dân ở xã Chư Băh bên đống card điện thoại
đã đọc hết mã số cho kẻ lừa đảo.

Như một cái máy và không cần suy nghĩ bởi “tin vui” đến quá đột ngột, ông Bơi một mạch chạy đi mua card điện thoại rồi đọc mã số cho người đàn ông kia. Tối nằm ngủ mà hai mắt không thể nhắm được, ông Bơi đợi trời mau sáng để đi nhận tiền và chiếc xe tay ga đời mới mà những hộ khá giả trong buôn cũng chưa dám mơ ước...

Sáng sớm hôm sau, một lần nữa “nhân viên Viettel” tiếp tục gọi điện yêu cầu ông Bơi nộp thêm 2,4 triệu đồng bằng cách mua card rồi đọc mã số và hứa hẹn chiều chủ nhật ra UBND xã Chư Băh để nhận giải thưởng. Vui mừng vì ngày nhận thưởng cũng đã đến, chiều chủ nhật ông Bơi bồn chồn ra từ sớm, thế nhưng UBND xã vắng lặng, không thấy một ai ngoài vài cán bộ xã đang làm việc. Thấy ông Bơi cứ chần chừ đứng trước cổng UBND xã, một cán bộ ra hỏi chuyện thì ông Bơi kể lại toàn bộ sự việc và được giải thích của cán bộ xã, ông Bơi mới té ngửa là mình đã bị lừa.

“Được mấy triệu bán đậu xanh vụ vừa rồi coi như mất trắng, mình tin người ta quá mà!”, ông Bơi chua xót. Ngay sau đó, ông gọi điện vào số di động của người đàn ông nọ thì chỉ có tiếng chuông đổ dài mà không ai bắt máy, vài ngày sau số điện thoại trên cũng không còn liên lạc được.

Tương tự, ông Nay Kli (buôn Khăn, xa Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai ) cũng sập bẫy lừa. Theo trình báo của ông Nay Kli với CATX Ayun Pa, vào khoảng 11 giờ ngày 16-10, một người đàn ông điện thoại vào máy bàn nhà ông và hỏi ông có phải chủ nhà không. Sau khi được xác nhận đang nói chuyện với chủ nhà, người đầu dây kia đổi giọng hồ hởi và tự xưng là “Đại tá Võ Quang Minh đang công tác tại Công ty Viettel Quân đội xổ số Đà Nẵng”.

Số card đã nạp 9,8 triệu đồng mà Nay Đuk còn giữ.

Chưa kịp hiểu chuyện gì thì người đàn ông kia thông báo và chúc mừng ông đã trúng thưởng 300 triệu đồng tiền mặt và một xe máy tay ga trị giá 30 triệu đồng. Sau vài lời chúc mừng thì người đàn ông kia ra “điều kiện” muốn nhận thưởng, ông phải nộp cho công ty 5,5 triệu đồng lệ phí bằng cách mua card điện thoại Viettel rồi đọc mã số... Cũng vì nhẹ dạ, ông Kli vội vã chạy ra cửa hàng gần đó mua 25 chiếc card Viettel mệnh giá 200.000 đồng và 5 chiếc mệnh giá 100.000 đồng rồi điện vào số máy 0989254326 đọc cho người đàn ông nọ.

Đến sáng 17-10, người đàn ông đó lại điện vào máy bàn nhà ông Kli bảo ông phải nộp thêm 1 triệu đồng để ủng hộ người dân bị lũ lụt do cơn bão số 11. Sau khi nhận đủ mã số 10 chiếc card mệnh giá 100.000 đồng, người đàn ông dặn ông Kli “sáng 18-10 mang 1,5 triệu đồng đến CATX Ayun Pa nộp lệ phí để làm giấy tờ cho phép chuyển phần thưởng về cho gia đình”. Sau khi mua card điện thoại, số tiền của gia đình đã cạn, dù không có đủ 1,5 triệu đồng nhưng sáng 18-10, ông Kli vẫn đến CATX Ayun Pa “chờ” nhận thưởng. Tại đây, qua giải thích của cán bộ CATX, ông Kli mới biết mình đã bị kẻ xấu lừa gạt.

Không chỉ 2 trường hợp ông Ksor Bơi và Nay Kli, tại thị xã Ayun Pa thời gian vừa qua đã có nhiều người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo với chiêu thức trúng thưởng qua điện thoại như: ông Nay Đuk (thôn Chư Băh 2, xã Chư Băh) bị lừa mất 9,8 triệu đồng, anh Nay Điêng (thôn Chư Băh B, xã Chư Băh) bị lừa 8,6 triệu đồng...

Thượng tá Vũ Gia Long, Phó trưởng CATX Ayun Pa xác nhận, việc lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại không phải là thủ đoạn mới của những kẻ lừa đảo nhưng nhiều người dân là đồng bào DTTS nhẹ dạ, thiếu thông tin nên cứ tưởng là thật và đã bị lừa. Sau khi nắm bắt được tình hình, CATX Ayun Pa đã thông báo phương thức, thủ đoạn để người dân biết và nêu cao tinh thần cảnh giác đồng thời tổ chức các đội nghiệp vụ tiến hành điều tra sự việc. Tuy nhiên, khả năng làm rõ các vụ lừa đảo này rất thấp vì các đối tượng lừa đảo đều sử dụng sim rác để liên lạc.

Trước thực trạng này, Thượng tá Đoàn Văn Việt, Giám đốc Chi nhánh Viettel tại Gia Lai cảnh báo: “Tại địa bàn các huyện, thị xã thì gần như 2 đến 3 xã đều có 1 nhân viên của Viettel, đa số những khách hàng, đặc biệt là người dân đồng bào DTTS giao tiếp với Viettel đều được tư vấn, định hướng về mua hàng cũng như cảnh báo các trường hợp lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại.

Thế nhưng, kẻ lừa đảo vẫn đánh vào sự nhẹ dạ của người dân. Viettel cũng có nhiều chương trình trúng thưởng nhưng mọi vấn đề trúng thưởng thì người của Viettel đến tận nhà xác minh và sau khi xác minh xong thì khách hàng lên cơ quan của Viettel để nhận quà chứ Viettel không hề thu bất kì một khoản phí nào. Nếu thông báo bằng tin nhắn hoặc gọi điện mà không có người liên hệ thì không phải là người của Viettel. Viettel khẳng định trong tất cả các chương trình khuyến mại/quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào hoặc nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết”.

Minh Tân