Báo Công An Đà Nẵng

Phòng chống dịch sốt xuất huyết - không phải chuyện của riêng ai

Thứ sáu, 02/12/2022 11:24
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống SXH tại các khu dân cư ở P.Hòa Khê.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển, khí hậu ẩm tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển; nhân lực Y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm Y tế xã, phường thiếu, trong khi phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên khó khăn trong công tác phòng chống dịch…, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là tác nhân làm gia tăng số ca mắc SXH trên địa bàn các địa phương. Đó là ý thức của một bộ phận người dân trong việc tự diệt và phòng chống lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hóa chất chưa cao; sự phối hợp của UBND xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ban ngành đoàn thể địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh chưa thật sự hiệu quả; lực lượng Cộng tác viên Dân số - Y tế tại các địa phương hoạt động chưa thật sự tích cực…

Thực tế đã cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác nhân gây bệnh, biện pháp phòng ngừa trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch SXH có phát triển hay bị đẩy lùi không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế mà có một yếu tố rất quan trọng cần được quan tâm là ý thức và sự tham gia phối hợp của cộng đồng, từ mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi học sinh, sinh viên trong mỗi lớp học, giảng đường đến mỗi cán bộ công chức trong các cơ quan v.v…

Không thể xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch SXH nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ tử vong. Có chứng kiến được sự quá tải bệnh nhân SXH tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế, sự hao tổn sức lực nghiêm trọng của những người bị SXH, sự tốn kém về thuốc men, thời gian điều trị, phục hồi bệnh nhân SXH v.v… mới thấy được mức độ nghiêm trọng của loại dịch bệnh này. Trước đây, chúng ta thường nghe nói, dịch SXH chủ yếu xảy ra đối với trẻ em, người lớn, người khỏe ít bị! Nhưng thực tế thời gian qua ở nhiều nơi cho thấy, SXH không từ một ai cả…

Đi vào cụ thể, vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực dân cư, trong mỗi hộ dân không đảm bảo ở nhiều địa phương chính là yếu tố có liên quan mật thiết đến sự phát triển của dịch bệnh. Ngay cả các cơ quan, công sở nhà nước, nhiều nơi cũng chưa quan tâm phòng chống SXH. Nhiều đơn vị để phát sinh lăng quăng, muỗi rất nhiều từ các vũng nước đọng trên sân thượng, vật liệu phế thải, hồ nuôi cá... Trong mỗi hộ dân qua kiểm tra còn sự chủ quan nhất là xem nhẹ việc diệt bọ gậy, lăng quăng. Môi trường để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, nẩy nở rất dễ bắt gặp ở khắp nơi, nhất là tại những khu vực được xem là “ổ dịch” trong khi người dân không biết cách xử lý hoặc không để ý. Có người nói vui “muỗi SHX có mặt từ ngoài sân vào đến nhà, đến cả bàn thờ ông bà tổ tiên của mỗi gia đình”, vì bất cứ chỗ nào đọng nước là muỗi cũng có thể đẻ trứng và nở ra bọ gậy. Nó có ở những vật dụng như lốp xe, chén bát vỡ, vỏ dừa, vỏ đồ hộp, cả những miếng tôn gợn sóng, chậu cảnh để không, bình hoa, lọ nước trên bàn thờ... Một tồn tại khác cũng chưa được khắc phục là người dân tuy có hiểu biết về phòng bệnh SXH nhưng còn chủ quan hoặc chưa thật sự quan tâm và không có hành động cụ thể, có khi còn trông chờ, ỷ lại vào các biện pháp y tế như phun xịt hóa chất.

Phòng chống dịch SXH sẽ không có hiệu quả khi làm theo kiểu “hô khẩu hiệu”; xây dựng kế hoạch phòng chống SXH chung chung, có khi có kế hoạch rồi nhưng chẳng giám sát, kiểm tra thường xuyên các hoạt động đã được triển khai để đánh giá hiệu quả. Càng không nên “khoán trắng” công tác phòng chống SXH cho ngành y tế, coi việc phòng chống SXH là của Trạm Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thị xã! Ngoài ra, một số nơi, tuy đã được khoanh vùng ổ dịch nhưng bọ gậy, muỗi vẫn không giảm do làm chưa đúng cách, thậm chí không biết phun thuốc đúng quy cách nên muỗi vẫn không chết. Có hộ dân còn không hợp tác với nhân viên y tế đến phun thuốc như đóng cửa bỏ đi, ngăn không cho vào nhà phun thuốc do… hôi !? Cũng có trường hợp chỉ phun thuốc trong khuôn viên của nhà có người bị bệnh mà không phun rộng ra xung quanh, không xử lý những nơi bụi rậm, cỏ hoang ở lân cận nơi phát dịch v.v…

Để phòng SXH đơn giản, dễ làm nhất là đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước; không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt bọ gậy, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng; không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu; loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hỏa hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi; dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi… Những cách làm trên không khó, miễn là có quyết tâm và có nhận thức một cách nghiêm túc.

Có thể khẳng định, việc phòng chống SXH chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, và đặc biệt là sự tham gia tích cực của mỗi người dân, chứ không chỉ ỷ lại vào cơ quan y tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hơn lúc nào hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng cần được phát huy một cách hiệu quả. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn, đẩy lùi được loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Dân Hùng