Phòng chống dịch tai xanh lỏng lẻo, người dân phớt lờ lệnh cấm
(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sáng 18-10, UBND tỉnh Quảng Nam chính thức ban bố lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn H. Điện Bàn. Thế nhưng, thực tế cho thấy, công tác phòng chống dịch tai xanh tại địa phương này vẫn còn hết sức lỏng lẻo...
2 ngày cuối tuần qua, dịch tai xanh tiếp tục lây lan đến thôn 7A, Cổ An 2, Công An 5 thuộc xã Điện Nam Đông (H. Điện Bàn, Quảng Nam) làm 48 con heo của 7 hộ chăn nuôi nhiễm bệnh nặng. Tại xã Điện Nam Trung dịch tai xanh đã tràn đến thôn 8B làm cho 41 con heo của 3 hộ dân sốt cao, bỏ ăn, một số con lăn ra chết. Còn ở xã Điện Nam Bắc, 4 con heo khác cũng vừa bị virus dịch tai xanh tấn công... Ngành Thú y Quảng Nam cho biết, theo thống kê mới nhất, tính đến trưa hôm qua 23-10 trên địa bàn 7 xã của H. Điện Bàn (gồm: Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Thắng Nam, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông) đã có tổng cộng 1.339 con heo của 143 hộ dân ở 32 thôn bị mắc dịch tai xanh, trong đó gần một nửa phải tiêu hủy bắt buộc. Nhiều người có trách nhiệm cho rằng, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, nếu trong những ngày tới ngành liên quan và chính quyền các địa phương của H. Điện Bàn không dốc toàn lực để phòng chống dịch thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ không dừng lại ở con số vừa nêu.
Ở Điện Bàn, thịt heo vẫn bày bán tràn lan. |
Như tin chúng tôi đã đưa, trước nguy cơ dịch tai xanh lan ra diện rộng, ngày 18-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang ký ban hành Quyết định (số 3356/QĐ-UBND) chính thức công bố dịch heo tai xanh tại H. Điện Bàn. Theo đó, giao Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp cấp bách để nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch. Lệnh cấm đã ban bố thế nhưng xem ra công tác phòng chống dịch trên địa bàn H. Điện Bàn vẫn còn hết sức lỏng lẻo. Sáng 20-10, đi dọc trục lộ chính từ phía bắc cầu Câu Lâu cũ ra đến trung tâm thị trấn Vĩnh Điện, hai bên đường chúng tôi thấy rất nhiều quầy thịt heo vẫn cứ bày bán công khai, người mua đứng chật như nêm.
Đáng nói hơn, cách Trạm Thú y Điện Bàn chừng vài trăm mét, tại một cái chợ “chồm hổm” có ít nhất 3 chiếc bàn gỗ lớn để đầy lòng, thịt heo. Khi chúng tôi hỏi vì sao có lệnh cấm rồi mà vẫn ngang nhiên bán các sản phẩm từ heo thì một chị chủ quầy trả lời gọn lỏn: “Mấy ngày ni đâu có thấy ai thông báo chi mô. Không cấm, mắc chi không bán”. Hỏi lực lượng quản lý thị trường và thú y huyện có tới kiểm tra, nhắc nhở gì không thì chị này lắc đầu. Một điều đáng lo ngại hơn là, theo người phụ nữ ấy, toàn bộ lượng thịt heo bán tại đây đều được lấy về từ một lò giết mổ ở xã Điện Ngọc–nơi mà chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây có đến 620 con heo bị mắc dịch tai xanh. Ai dám chắc số thịt heo này không mang mầm bệnh? Không chỉ thịt heo bày bán tràn lan, tình trạng vận chuyển heo bệnh ra khỏi những vùng đang xảy ra dịch ở Điện Bàn vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời. Suốt buổi sáng 20-10, dạo khắp các tuyến giao thông huyết mạch, chúng tôi vẫn bắt gặp rất nhiều người dùng xe máy chở những giỏ heo nặng trịch đi tiêu thụ. Nhìn quanh, chẳng có lấy một chốt chặn nào. Băng rôn tuyên truyền về loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm này thì thi thoảng mới thấy một tấm.
... Và vận chuyển đi khắp nơi.
Trong khi đó, trưa 20-10, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thông – Trưởng trạm Thú y Điện Bàn khẳng định: “Ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định công bố dịch trên toàn địa bàn huyện, các đơn vị liên quan ở Điện Bàn lập tức triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh nhằm chặn đứng sự lây lan của virus gây bệnh tai xanh. Lực lượng liên ngành của huyện nhanh chóng được củng cố, gấp rút tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo”.
Chúng tôi không bình luận gì về ý kiến phát biểu của người đứng đầu ngành thú y H. Điện Bàn. Từ thực tế như đã phản ánh và những hình ảnh kèm theo bài viết, có lẽ nên để bạn đọc đánh giá về công tác phòng chống dịch tai xanh tại địa phương này là công tâm nhất.
Trung Ngôn