Báo Công An Đà Nẵng

Phòng chống sốt rét vẫn còn trên… giấy !

Thứ hai, 16/07/2018 11:10

Tình hình bệnh sốt rét dù chưa đến mức báo động nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bệnh sốt rét ở Gia Lai tăng trên 100% so với cùng kỳ. Ngoài thời tiết diễn biến phức tạp, ý thức của người dân chưa cao thì công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chỉ mới nằm trên... giấy.

Bệnh nhân sốt sét đang điều trị ở cơ sở y tế. 

Gia tăng

Theo đánh giá của Viện sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng (SR-KST-CT) Trung ương, tại khu vực Tây Nguyên, Gia Lai đứng đầu số lượng ca bệnh sốt rét, đặc biệt khi khu vực này đang vào giai đoạn mùa mưa. Trước tình hình đó, Viện này đã phải có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét gửi các địa phương, trong đó lưu ý các địa phương ở khu vực Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, theo thống kê của Trung tâm phòng chống SR-KST-CT Gia Lai, toàn tỉnh ghi nhận 286 trường hợp mắc bệnh sốt rét và 15/17 huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân mắc bệnh sốt rét. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh sốt rét nhưng so với cùng kỳ số ca bệnh tăng trên 121% (286/129 ca). Riêng tại H. Krông Pa có 77 trường hợp (tăng 63 ca bệnh). Đáng lo ngại hơn, các huyện biên giới như Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông trường hợp mắc bệnh sốt rét đều tăng so với cùng kỳ.

Bác sĩ Rơ Mah Huân- Giám đốc Trung tâm phòng chống SR-KST-CT Gia Lai cho biết: "Qua kiểm tra ban đầu, số ca mắc sốt rét ngoại lại chiếm 40% và đã có 1 trường hợp mắc sốt rét ác tính. Các trường hợp mắc sốt rét là người địa phương và những người thường ngủ ở rẫy, đi rừng, người dân đi làm ăn theo vụ mùa và qua làm việc, thăm người thân tại các nước như Lào, Campuchia. Ngay từ đầu năm, Trung tâm này đã lập kế hoạch và gửi nhiều văn bản đến các Trung tâm Y tế huyện cảnh báo nguy cơ sốt rét và chỉ đạo phòng chống sốt rét tại địa phương đồng thời cử nhiều cán bộ trực tiếp xuống giám sát dịch tễ sốt rét tại các xã, thôn trọng điểm về sốt rét. Trung tâm cũng đã phối hợp với các địa phương thường xuyên giám sát tình hình sốt rét, đặc biệt chú trọng đến các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và vùng có di biến động về dân cư".

Bác sĩ Huân cũng nhận định hiện còn rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt rét bởi vẫn còn một bộ phận người dân thiếu kiến thức phòng bệnh, vẫn còn chưa nằm màn tránh muỗi khi đi vào các vùng rừng, khe suối, nhà rẫy... Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến công tác phòng chống bệnh sốt rét chưa triển khai hiệu quả và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt khiến số ca bệnh sốt rét tăng cao so với cùng kỳ.

Điều đáng lo ngại hơn, việc phun hóa chất, tẩm màn, cấp màn tại các vùng có bệnh nhân sốt rét tăng cao từ đầu năm đến nay vẫn chưa được triển khai. Hầu như, công tác phòng chống sốt rét vẫn chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, chỉ đạo trên…giấy!

Tại nhiều làng đồng bào DTTS vẫn xảy ra tình trạng người dân ngủ ở trong rẫy, gần suối, bìa rừng nhưng không có thói quen sử dụng màn.

Liệu có kiểm soát?

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ- Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang- Viện phó Viện SR-KST-CT Quy Nhơn cho biết: "Trong 5 tháng đầu năm 2018, tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông bệnh nhân sốt rét có tăng so với cùng kỳ. Có các nguyên nhân như về xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu rồi người dân đi rừng ngủ rẫy không mang  bạt võng, màn, kể cả phát màn tẩm hóa chất…nhưng đa số người dân không chịu nằm màn cũng khiến bệnh nhân sốt rét tăng lên. Sự biến động tăng như thế này đối với chúng tôi trong tầm kiểm soát được".

Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang cũng cho biết thêm, những năm trước đây, trường hợp mắc bệnh sốt rét ở Gia Lai rất cao. Đến thời điểm hiện nay khi có chủ trương đóng cửa rừng đã hạn chế phần lớn người dân vào rừng nên việc mắc bệnh sốt rét cũng giảm xuống. Đặc biệt, với sự góp phần của ngành y tế, Viện SR-KST-CT Trung ương, Quy Nhơn đầu tư vào Gia Lai rất lớn trong công tác kiểm soát, điều tra ca bệnh đã giúp Gia Lai giảm số ca bệnh sốt rét rất nhiều.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Bởi ngoài những nguyên nhân khác, đến nay các nguồn kinh phí, hóa chất, màn tẩm hóa chất để thực hiện công tác phòng chống sốt rét vẫn còn nằm trên giấy. Theo kế hoạch, năm 2018, có 80.000 người dân được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi. Trong đó bảo vệ bằng phun hóa chất tồn lưu 40.000 người, bảo vệ bằng màn tẩm hóa chất 40.000 người. Tuy nhiên, đến giờ này số người dân được bảo vệ là con số 0. "Năm 2017 kế hoạch 120.000 dân được bảo vệ bằng hóa chất nhưng chỉ thực hiện được hơn 34.000 dân bằng việc tẩm màn hóa chất, còn lại phun hóa chất thực hiện là 0% . Còn năm nay, hóa chất phun thì vẫn chưa có, màn tẩm hóa chất vẫn đang chờ đấu thầu. Riêng nguồn kinh phí trung ương cấp cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2018 đến nay chúng tôi vẫn phải đang chờ", bác sĩ Rơ Mah Huân cho hay.

Thế nên, việc phòng chống bệnh sốt rét từ đầu năm đến nay, Trung tâm phòng chống SR-KST-CT tỉnh Gai Lai cũng chỉ mới tổ chức giám sát dịch tễ sốt rét tại 3 xã của 3 huyện và kiểm tra chất lượng hoạt động 9 cụm kính hiển vi xã và huyện. Hiện công tác phòng chống sốt rét trong năm 2018 cũng chỉ mới dừng lại ở các công văn chỉ đạo, điều đó khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực. Bởi bấy lâu nay, tập quán, thói quen của người dân vùng đồng bào DTTS vẫn ít khi nằm màn, thiếu dọn vệ sinh, vẫn còn nhiều nhà chăn nuôi gia súc ngay gần nhà, thậm chí ở dưới nhà sàn…đó là yếu tố để muỗi ẩn nấp, sinh sản. Chưa kể, Gia Lai đang vào mùa mưa khiến việc kiểm soát dịch bệnh càng gặp khó khăn. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, chính quyền địa phương trong việc phòng chống, xử lý bệnh sốt rét, việc kiểm soát có lẽ sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Minh Tân