Báo Công An Đà Nẵng

Phòng chống tệ nạn ma túy, hiệu quả từ sự đồng lòng

Thứ ba, 03/12/2024 08:20
Ông Đặng Văn Thông - chuyên viên Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền về ma túy, tệ nạn xã hội trong Tuần sinh hoạt công dân đầu năm tại các trường Đại học, Cao đẳng.

Đẩy mạnh, đổi mới trong công tác tuyên truyền

Những năm gần đây, tình hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy có nhiều diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các cấp chính quyền đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của các loại tội phạm này.

Cụ thể, Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giúp sinh viên nhận diện các nguy cơ và tác hại của ma túy, mại dâm. Theo ông Ngô Văn Sang - Phó trưởng Phòng, các buổi tuyên truyền không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật mà còn trang bị kỹ năng phòng tránh hiệu quả, góp phần hạn chế TNXH phát sinh trong môi trường học đường. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tổ chức hàng loạt buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chương trình này giúp gần 10.000 học sinh và thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, đồng thời trang bị kỹ năng để vượt qua áp lực học tập, cuộc sống.

Công tác tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn tạo cơ hội thay đổi cho những người từng sa ngã. Tiêu biểu là chương trình nói chuyện chuyên đề “Làm lại cuộc đời” do Sở LĐ-TB&XH cùng Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cho 120 người vừa mãn hạn cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Đà Nẵng), tái hòa nhập cộng đồng. Buổi đối thoại không chỉ tiếp thêm động lực mà còn gắn kết cộng đồng trong việc hỗ trợ những người sau cai nghiện.

Thành Đoàn Đà Nẵng là một trong những tổ chức có kết quả nổi bật trong thay đổi cách thức tổ chức công tác tuyên truyền, tiêu biểu là tổ chức thành công chuỗi 4 buổi tương tác trực tuyến trên mạng xã hội Facebook với chủ đề tuyên truyền về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các buổi tương tác đã thu hút hơn 30,9 nghìn lượt xem và 32,4 nghìn lượt bình luận từ người xem trên fanpage “Tuổi trẻ Đà Nẵng”. Chuỗi tương tác trực tuyến đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức và hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” cho thanh thiếu nhi, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, Công an TP Đà Nẵng phối hợp Sở GD-ĐT thực hiện chương trình giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024–2030. Theo đó, các bài giảng điện tử, tài liệu kỹ năng phòng tránh ma túy đã được thiết kế phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh, sinh viên. Các hoạt động hưởng ứng như Tháng hành động phòng chống ma túy và Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26-6 cũng được tổ chức định kỳ, thu hút sự tham gia đông đảo từ cộng đồng.

Cùng với đó, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng như Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc rất quan trọng trong công tác phòng chống TNXH. Họ thường xuyên phối hợp với chính quyền trong các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào các chương trình phòng chống tệ nạn. Đặc biệt, các hội đoàn thể này thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với những người đang trong diện quản lý sau cai nghiện, từ đó lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Tại các địa phương, mô hình câu lạc bộ thanh niên phòng chống tội phạm cũng đã chứng minh hiệu quả. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt, giao lưu mà còn là môi trường giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức và tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Ngoài ra, 173 mô hình giáo dục pháp luật và cảm hóa thiếu niên hư đã được xây dựng và triển khai hiệu quả. Trong vòng 13 năm thực hiện Chỉ thị số 24, thành phố đã tổ chức hơn 12.000 buổi tuyên truyền với 1,5 triệu lượt người tham gia. Các kết quả này chứng minh sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương trong việc bảo vệ thế hệ trẻ trước những cạm bẫy của tệ nạn xã hội.

Học sinh Đà Nẵng nói không với ma túy.

Quyết liệt phòng, chống tội phạm ma túy

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy cũng được thực hiện quyết liệt. Công an TP Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ hiện đại để giám sát an ninh trật tự, quản lý các nhóm thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Hệ thống camera giám sát trên toàn thành phố đã hỗ trợ kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ tụ tập sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng. Trong năm 2024, lực lượng Công an đã triển khai quyết liệt, xử lý 381 vụ liên quan đến ma túy, bắt giữ 687 đối tượng và lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc cho 470 trường hợp. Đội ngũ tuần tra 911 được duy trì hoạt động 24/24 nhằm kịp thời phát hiện các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy trên đường phố, vào khung giờ đêm. Theo báo cáo từ Công an TP, sự phối hợp giữa các ban ngành đã góp phần rà soát, đưa vào quản lý 779 người nghiện và 647 trường hợp sử dụng trái phép ma túy.

Dù đạt được nhiều kết quả, công tác phòng chống ma túy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Kỳ thị xã hội là rào cản lớn khiến những người sau cai nghiện khó tái hòa nhập. Ông Đặng Văn Thông - chuyên viên Sở LĐ-TB&XH, nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc hỗ trợ người lầm lỡ. Mặt khác, việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho những người sau cai nghiện là hướng đi được khuyến nghị. “Chính quyền và các tổ chức cần hợp tác chặt chẽ hơn để tạo thêm nhiều cơ hội giúp họ tái khởi nghiệp, giảm thiểu nguy cơ tái phạm”- ông Thông cho hay.

Công tác phòng chống ma túy tại Đà Nẵng không chỉ là nhiệm vụ của một cá nhân hay một đơn vị mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Từ những nỗ lực đồng bộ và sáng tạo trong cách làm, thành phố đã xây dựng được một hệ thống phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng. Đây không chỉ là nền tảng vững chắc để bảo vệ an ninh, trật tự mà còn tạo điều kiện cho những người từng sa ngã có cơ hội làm lại cuộc đời.

Mai Vinh