Báo Công An Đà Nẵng

Phòng đọc nơi biên giới

Thứ hai, 05/05/2014 11:22

(Cadn.com.vn) - “Phòng đọc biên giới” là mô hình do BĐBP Quảng Nam thành lập, thu hút đông đảo cán bộ và bà con nhân dân, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới tiếp cận dần với loại hình văn hóa đọc. Các phòng đọc đã và đang phát huy tác dụng tích cực đối với đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... vùng cao biên giới Quảng Nam.

Phòng đọc sách báo của Đồn Biên phòng 661 (H. Nam Giang - Quảng Nam) thu hút ngày càng nhiều bà con dân bản đến đọc, tìm hiểu những kiến thức hữu ích.

Sinh hoạt bổ ích

Bất kể nắng, mưa, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30 hằng ngày, “Phòng đọc biên giới” tại các huyện vùng cao biên giới Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam mở cửa phục vụ bà con nhân dân và CBCS. Với các em học sinh, phòng đọc biên giới là “khoảng trời xanh”, là niềm đam mê với một thế giới sách phong phú, lôi cuốn bằng những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa.

Em Riah Tân, học sinh Trường Tiểu học Ga Ry, H. Tây Giang cho biết: “Chúng em thường xuyên đến phòng đọc do các chú BĐBP mở để xem truyện tranh, sách thiếu nhi như Đôrêmon, Thần đồng đất Việt, Cô tiên xanh, Cổ tích Việt Nam... Nhờ đọc sách nên chúng em có điều kiện trau dồi thêm rất nhiều từ vựng tiếng Việt”.

Đến với các “Phòng đọc biên giới”, người đọc ở mọi lứa tuổi có thể đáp ứng một phần nhu cầu đọc sách trong điều kiện còn nhiều khó khăn ở vùng cao biên giới, như: sách thiếu nhi, truyện tranh cho các em học sinh; sách về lịch sử, văn hóa các dân tộc; đặc biệt là sách pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi...

Anh Pơlong Đinh, dân tộc Cơ Tu ở thôn 56b, xã Đắc Pree, H. Nam Giang cho biết: “Gia đình mình trồng 3 sào lúa nước và chăn nuôi cả gia súc lẫn gia cầm, nhưng hiệu quả không cao. Từ khi có phòng đọc biên giới, lúc rảnh mình tìm đến đây để đọc, tìm tòi, nghiên cứu những sách, báo hướng dẫn về cách chăn nuôi, trồng trọt để về áp dụng. Ba năm rồi, ruộng lúa của gia đình có năng suất cao, trâu bò, heo gà phát triển tốt. Gia đình mình vừa  có của để dành, vừa sắm được cả tivi, xe máy”.

“Phòng đọc biên giới” là điểm sinh hoạt văn hóa thiết thực và bổ ích đối với đồng bào, cán bộ và chiến sỹ ở vùng cao biên giới. Từ cụ già đến trẻ em đều đến với phòng đọc sau những ngày lên rẫy và những buổi đến trường. Với những người không biết chữ, CBCS BĐBP sẽ đọc trực tiếp cho bà con nghe.

Đồng thời chọn lọc, phân loại sách, báo, tạp chí phù hợp với kiến thức, yêu cầu tìm đọc của người dân và hướng dẫn họ cách tiếp cận với những thông tin mới, thông tin hữu ích, phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Ông Hiên Bôn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pree, H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Phòng đọc biên giới của Đồn Biên phòng 661 giúp người dân nắm rõ kiến thức pháp luật, biết được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Ngày càng có đông bà con nhân dân đến phòng đọc, đặc biệt là thứ bảy và chủ nhật. Từ khi phòng đọc biên giới ra đời, nhiều người dân xã Đắc Pree biết được và học được nhiều mô hình hay, cách làm tốt từ sách báo”.

Cán bộ các xã vùng cao biên giới Quảng Nam là những “bạn đọc” thường xuyên của “Phòng đọc biên giới”.

Nhân rộng mô hình

Ngoài các “Phòng đọc biên giới” có hiệu quả tích cực tại các xã Đắc Pree của Đồn Biên phòng 661, La Êê của Đồn Biên phòng 653 (H. Nam Giang), Ga Ry của Đồn Biên phòng 651 (H. Tây Giang), Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã phát động và tiếp tục xây dựng mô hình này tại tất cả các đồn trên khu vực biên giới của tỉnh.

Mục tiêu là góp phần giúp nhân dân các xã vùng cao biên giới có thêm điều kiện để tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời giúp nhân dân nắm bắt những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu giải trí và các mô hình kinh tế để áp dụng vào cuộc sống.

Công trình “Phòng đọc biên giới” do các đồn biên phòng vận động CBCS xây dựng. Mỗi phòng đọc có diện tích khoảng 100m2, khi ra mắt có ít nhất 100 đầu sách, báo. Không gian phòng đọc được bố trí ngoài khuôn viên các đồn biên phòng nên người dân thoải mái hơn khi đến đọc.

Để có những đầu sách phong phú, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của đồng bào vùng cao biên giới, các đồn biên phòng đã tận dụng nguồn sách của trên cấp cho CBCS của đơn vị để đưa ra phòng đọc cho nhân dân nghiên cứu.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tổ chức đợt phát động trong toàn thể CBCS của đơn vị quyên góp và trích một phần lương mua thêm sách; đồng thời chủ động vận động các tổ chức cá nhân như thư viện tỉnh, trung tâm giống và cây trồng tỉnh trang bị thêm nguồn sách để phục vụ CBCS, nhân dân trên địa bàn.

Thiếu tá Phan Văn Thí, Chính trị viên Đồn Biên phòng 651 tâm sự: “Một khi người dân đã có kiến thức cơ bản, có thể hiểu được những gì anh em CBCS muốn nói thì việc tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chính sách của Đảng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Họ cũng hiểu được trách nhiệm, vai trò của mình là gì để từ đó nâng cao nhận thức. Mô hình “Phòng đọc biên giới” như thế này thật sự hữu ích đối với nhân dân và cả cán bộ địa phương”.

Trong khi một số thư viện văn hóa xã, huyện ở nhiều địa phương không phát huy được hiệu quả, ít người đến đọc sách, thì mô hình “Phòng đọc biên giới” của các đồn biên phòng thật sự là một điểm sáng văn hóa trên vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam.

Đây không chỉ là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm hay trong lao động sản xuất đến với người dân vùng cao, giúp họ phát triển kinh tế, nâng đời sống văn hóa tinh thần, góp phần gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa của đồng bào mình.

Tuy chưa thật phong phú về số lượng các đầu sách, các loại báo, tạp chí chưa cập nhật và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhưng “Phòng đọc biên giới” đã làm được điều không dễ, đó là tạo thói quen đọc sách báo cho người dân vùng cao, để rồi từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng tích cực và hiệu quả.

Bài, ảnh: Thạch Hà