Báo Công An Đà Nẵng

Phòng đọc trực tuyến thư viện thành… tiệm internet?

Thứ hai, 24/10/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Với hệ thống máy tính có cấu hình xịn, được nối mạng với đường truyền cáp quang tốc độ cao, phòng đọc Đa phương tiện của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu, đọc sách trực tuyến của bạn đọc. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn khi hệ thống máy tính này lại... dùng cho việc chơi game trực tuyến của nhiều người.

Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng (46-Bạch Đằng) vừa mới được đầu tư xây dựng lại với kinh phí hơn 50 tỷ đồng và đi vào hoạt động phục vụ hơn 1 năm nay. Trong đó, phòng đọc đa phương tiện được trang bị 25 máy tính cấu hình cao có nối mạng và đường truyền cáp quang nhằm mang lại sự đa dạng và tiện ích trong công tác phục vụ người đọc. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hệ thống máy tính nối mạng trong phòng đọc đa phương tiện chỉ dùng cho mục đích chơi game của nhiều người. Nhiều người lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý, giám sát, cùng với phí sử dụng thấp ở phòng đọc đã tranh thủ vào đây để "luyện game". Tình trạng này làm ảnh hưởng đến môi trường, không gian văn hóa đọc, gây bức xúc cho người có nhu cầu đọc sách thực sự.

Hầu như hệ thống máy tính nối mạng trong phòng đọc Đa phương tiện - Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng chỉ dùng cho mục đích chơi game.

V.Đ.P, sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, phản ánh: "Do điều kiện phòng trọ chật chội nên em thường xuyên đến Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng để học tập, tìm kiếm tư liệu, sách vở. Bản thân em chưa có máy tính cá nhân nên rất hay vào phòng đọc đa phương tiện để tìm đọc các bản sách trực tuyến. Tuy nhiên, không phải lần nào em cũng gặp may đăng ký được máy tính. Em cảm thấy khó hiểu khi nhiều người vào phòng đọc đa phương tiện chỉ có mục đích chơi game, trong khi những những người có nhu cầu đọc sách thực sự lại không được đáp ứng yêu cầu".

* Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng được đầu tư xây dựng hơn 50 tỷ đồng. Ngày 31-8-2015, thư viện được khánh thành và đưa vào sử dụng, với hai khối nhà 2 tầng, gồm khối phục vụ bạn đọc với gần 3.000m2 có sức chứa khoảng 2.500 độc giả và khối hành chính, với cảnh quan, không gian xanh thoáng đãng, mát mẻ. Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng trở thành biểu tượng, là điểm nhấn văn hóa đọc của địa phương. Chính vì vậy, công tác khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất tại thư viện có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao đời sống tinh thần và sự phát triển văn hóa của TP Đà Nẵng.

Không riêng gì V.Đ.P, nhiều sinh viên, bạn đọc khác chứng kiến, gặp phải tình trạng này đều tỏ ra băn khoăn là vì sao người vào phòng đọc đa phương tiện ngồi chơi game mà không có một sự nhắc nhở, nghiêm cấm nào? 

Chị Phan Thị Khánh Huyền (sinh sống trên địa bàn Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) bày tỏ: "Nhiều lần vào phòng đọc đa phương tiện, tôi thấy làm lạ là nhiều em nhỏ ngồi chơi game trực tuyến một cách vô tư. Đáng lẽ ra vào đây các em phải tìm kiếm, tra cứu, đọc sách nhưng lại đắm chìm trong các trò chơi game trực tuyến đầy bạo lực, máu me, bắn giết". 

Còn ông Nguyễn Văn Hải (sinh sống trên địa bàn Q. Hải Châu, Đà Nẵng) bức xúc: "Vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tôi thường cùng đứa cháu đến thư viện. Nhiều lần ghé vào phòng đọc đa phương tiện để cháu làm quen, tiếp xúc với cách thức đọc sách mới, nhưng thấy phòng đọc sách trực tuyến mà như một tiệm internet. Các máy tính trong phòng không phục vụ đọc sách mà dùng chơi game trên mạng. Tôi không hiểu sao thư viện lại để các cháu nhỏ, học sinh đến đây chỉ ngồi chơi game? Bản thân tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này".

Trực tiếp đến phòng đọc đa phương tiện của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nắm bắt tình hình, chúng tôi dễ dàng chứng kiến việc sử dụng máy tính trong phòng đọc chỉ để chơi game. Trong số, khoảng hơn 25 máy tính đặt trong phòng đọc đa phương tiện thì đã có hơn 15 máy đang phục vụ chơi các trò chơi trên mạng, nhiều trò chơi mang tính bạo lực, không lành mạnh. Một điều đáng buồn là ngoài số lượng người chơi là giới trẻ, trong độ tuổi học sinh, thì có cả những phụ huynh, cha mẹ cùng ngồi chơi một cách thản nhiên. Một điều đáng quan tâm khác, việc chơi game diễn ra công khai ngay cả khi có cán bộ, nhân viên phụ trách thư viện đang có mặt, làm việc trong phòng.

Khi thấy chúng tôi ghi hình, chụp ảnh lại việc sử dụng máy tính trong phòng đọc để chơi game thì cán bộ, nhân viên phụ trách mới ra nói người dùng tắt các trò chơi game một cách gắt gao, quyết liệt. Tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, tuy nhiên số lượng người tham gia nhiều hơn khi chúng tôi quay trở lại phòng đọc đa phương tiện ít phút sau đó.

Nhiều ý kiến phản ánh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do lợi dụng việc thu phí sử dụng máy tính ở mức quá thấp (2.000 đồng/giờ đối với bạn đọc có thẻ thư viện, 3.000 đồng/giờ đối với bạn đọc không có thẻ thư viện) cùng với sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng hệ thống máy tính.

Mong rằng thực trạng đáng buồn này sớm được chấn chỉnh, nhằm trả lại môi trường, không gian văn hóa đọc vốn có của một thư viện. Qua đó khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất của thư viện để góp phần nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa cho bạn đọc, người dân.

Bình Nam