Báo Công An Đà Nẵng

Phòng ngừa tệ nạn “cầm đồ thuốc độc”

Thứ hai, 17/03/2014 12:49

(Cadn.com.vn) - CAH Ba Tơ (Quảng Ngãi) vừa mời 210 thầy cúng và thầy bói hoạt động trên địa bàn về trụ sở phổ biến Nghị quyết 02 của Huyện ủy Ba Tơ về công tác phòng chống tư tưởng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc Hrê.

Tại buổi gặp mặt, CAH Ba Tơ đã tuyên truyền bằng hình ảnh về những vụ cầm đồ thuốc độc gây chết người cũng như những vụ thầy cúng, thầy bói bị bắt vì bịa chuyện hủ tục cầm đồ thuốc độc để lừa đảo. Đồng thời tổ chức cho 210 thầy cúng, thầy bói ký cam kết chống tư tưởng mê tín, dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc Hrê; ký cam kết không hành nghề bói toán dị đoan và đi xem bói; không cúng chữa bệnh, mê tín dị đoan.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra hàng chục vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, trong đó có vụ đánh chết người. Cùng với đó, lực lượng Công an đã vạch trần hàng chục thầy cúng, thầy bói có hành vi lừa đảo, bịa chuyện cầm đồ thuốc độc để trục lợi lấy tiền. Nguy hiểm hơn, việc bịa chuyện này gây nghi kỵ thù hận trừ khử đánh giết nhau.

Một thực tế tồn tại ở các bản làng dân tộc Hrê ở miền núi Quảng Ngãi là sự xuất hiện của các thầy cúng, thầy bói. Mỗi lần có người đau ốm chết, hoặc mâu thuẫn nghi ngờ nhau, phần đông đồng bào ở đây thường tìm đến thầy cúng, thầy bói này để xem có bị cầm đồ thuốc độc hay không. Vô tình, các thầy cúng, thầy bói trở thành một thế lực vô hình trong cộng đồng của đồng bào miền núi. Và, phía sau mỗi vụ nghi cầm đồ thuốc độc lúc nào cũng có màu sắc mê tín dị đoan, do vậy đã xuất hiện tình trạng các thầy cúng, thầy bói câu kết với nhau để trục lợi cho riêng mình.

Các thầy cúng, thầy bói ký cam kết tại CAH Ba Tơ.

Tệ nạn “cầm đồ thuốc độc” là một hủ tục lạc hậu, đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận bà con người Hrê. Xuất phát từ những lời nói vô tình, nhưng có việc xảy ra trùng hợp, nhiều người đã bị thầy bói, thầy cúng lợi dụng, tung tin thất thiệt làm cho nhiều gia đình phải điêu đứng, bị xóm làng xa lánh. Người bị nghi “có đồ” bị cô lập và bị hành hung. Cho đến bây giờ, không một người dân địa phương nào tận mắt thấy “đồ độc”. Thế nhưng, chuyện nghi kỵ cầm đồ thuốc độc gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở địa phương vẫn cứ xảy ra.

Theo nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, những người nào có đồ độc thì sẽ hại người khác bị chết, vì thế dân làng phải trừ khử. Lợi dụng suy nghĩ cổ hủ này, nhiều thầy bói, thầy cúng đã bịa chuyện hủ tục để lấy tiền người dân, gây nên tình trạng mất đoàn kết, ANTT địa phương, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh điêu đứng.

Trong vụ án gây thương vong 2 phụ nữ bị nghi cầm đồ thuốc độc xảy ra mới đây tại đồng bào Hrê ở xã Sơn Ba, H. Sơn Hà, chính thầy bói đã “châm ngòi” cho nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Ông Đinh Văn Nương, 60 tuổi bị bệnh ung thư, đi chữa trị tại nhiều bệnh viện nhưng vẫn không qua khỏi. Gia đình ông Nương tìm đến thầy bói ở Ba Tơ và được phán ông Nương bị người khác “cầm đồ thuốc độc”. Thầy bói còn cho biết, kẻ bỏ đồ độc là người bà con, giới tính phụ nữ và có mâu thuẫn với gia đình. Chính từ đây gia đình ông Nương cho rằng bà Đinh Thị Nới và bà Đinh Thị Na (đều trú thôn Gò Da) là “thủ phạm”. Nhiều ngày sau, bà Na bị đánh chết, riêng bà Nới may mắn chạy trốn khỏi làng thoát thân.

Đây là lần đầu tiên CAH Ba Tơ “triệu tập” các thầy cúng, thầy bói để ngăn chặn hủ tục rùng rợn bấy lâu tồn tại ở các huyện miền núi Quảng Ngãi và đó là việc làm cần thiết.

T. Sự