Báo Công An Đà Nẵng

Phòng ngừa tiền gửi tại ngân hàng bị “thụt két”

Thứ bảy, 05/09/2020 12:13

Hàng loạt vụ tiền tỷ gửi tại ngân hàng bỗng dưng... bốc hơi

Mới đây nhất, trong tháng 7-2020 vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có thông tin về vụ bà Huỳnh Thị Hằng, trú ở Q.1 (TPHCM) khiếu nại việc vợ chồng bà Hằng gửi 5,7 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại OCB bị mất và yêu cầu OCB trả lại gốc và lãi số tiền này cho vợ chồng bà. Theo OCB, lợi dụng mối quan hệ quen biết với vợ chồng bà Hằng, đưa ra mức lãi suất cao, Vũ Phương Thảo, nguyên là cán bộ tại Bộ phận xử lý giao dịch tín dụng thuộc Khối hỗ trợ của OCB, đã nhận số tiền gửi tiết kiệm nói trên, đồng thời lập các sổ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi giả của OCB rồi chiếm đoạt số tiền này của vợ chồng bà Hằng. Hiện, Vũ Phương Thảo đã bị cơ quan CSĐT CA TPHCM khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.

Khách hàng giao dịch tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Á Châu (ACB). Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Trước đó, cũng đã xảy ra hàng loạt vụ khách hàng gửi tiền tiết kiệm với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng tại ngân hàng bị “biến mất”. Điển hình như vụ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) - Chi nhánh Hải Phòng. Từ năm 2012-2017, 17 người dân tại TP Hải Phòng cán bộ, nhân viên ngân hàng biến chất, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Bên cạnh đó, theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (TP Đà Nẵng) còn có nguyên nhân từ chính sơ hở của khách hàng. Thực tế từ các vụ khách hàng mất tiền gửi tại ngân hàng trong thời gian qua, đa phần các nạn nhân có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng cán bộ, nhân viên ngân hàng, dẫn đến giao dịch bất cẩn như: không giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch, ủy nhiệm cho cán bộ và nhân viên ngân hàng làm giúp, ký khống các giấy tờ, ký ủy nhiệm chi, cầm cố sổ tiết kiệm... Điều này khiến kẻ lừa đảo dễ dàng lợi dụng để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền hoặc lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Dù thời gian qua, tại TP Đà Nẵng chưa xảy ra trường hợp khách hàng nào bị mất tiền gửi ở ngân hàng nhưng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng thường xuyên có văn bản hoặc thông qua các cuộc họp, cuộc làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP để quán triệt, nhắc nhở các ngân hàng thương mại chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn tài sản nói chung, tiền gửi nói riêng của khách hàng, đặc biệt là quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức của cán bộ, nhân viên ngân hàng đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quy trình hoạt động ngân hàng, nhất là quy trình tiếp nhận và chi trả tiền gửi, lãi vay cho khách hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiền gửi, phòng ngừa tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng bị mất, theo ông Võ Minh còn cần sự hợp tác từ phía khách hàng. Trước hết là khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại quầy. Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này. Tiếp đến, là kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, nhất là thông tin về số thẻ, con dấu, chữ ký của phía ngân hàng. Trong quá trình giao dịch, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký khống vào bất cứ giấy tờ gì. Bên cạnh đó, khách hàng cần phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ, số dư tiền gửi tại các sổ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi. Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hoặc hàng tháng nhằm trong trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời. Khách hàng cần bảo quản sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng và trong vòng 24 tiếng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất... Đặc biệt, khách hàng cần cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến, giao dịch qua ATM, nhất là tuyệt đối bảo mật các thông tin như: username (tên người dùng, trên truy cập...), password (mật khẩu, mật mã), v.v...; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

PHÚ NAM