Báo Công An Đà Nẵng

Phóng tên lửa từ tàu ngầm hạt nhân - Ấn Độ muốn “thay đổi cuộc chơi”

Thứ hai, 17/10/2022 07:15
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ. Ảnh: India Today

Yếu tố quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa "đã tác động đến khu vực mục tiêu ở Vịnh Bengal với độ chính xác rất cao". Các quan chức quân sự không cung cấp chi tiết về loại tên lửa, nhưng nói rằng "tất cả các thông số hoạt động và công nghệ của hệ thống vũ khí đã được xác nhận".

INS Arihant là chiếc đầu tiên trong số 5 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) được Ấn Độ lên kế hoạch đóng trong nước, nằm trong dự án Tàu Công nghệ Tiên tiến (ATV) bí mật của Hải quân Ấn Độ. Sau khi được triển khai hoạt động vào năm 2018, tàu ngầm này ban đầu được cho là trang bị 12 tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trọng tải 1.000kg với tầm bắn tối đa khoảng 750 km. Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ đang phát triển một loại tên lửa mạnh hơn là K-4 với tầm bắn khoảng 3.500 km. Các tàu ngầm lớp Arihant sẽ có thể mang 4 tên lửa K-4.

Tàu ngầm INS Arihant có thể làm nhiệm vụ răn đe hạt nhân, ra khơi với các tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân. Tàu INS Arihant có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với New Delhi. Quân đội Ấn Độ coi INS Arihant là "yếu tố chính trong khả năng răn đe hạt nhân của New Delhi”.

Hoàn thành bộ ba hạt nhân

Tháng 11-2019, Ấn Độ đề ra học thuyết quân sự với bộ ba hạt nhân, gồm năng lực tấn công hạt nhân từ trên không, trên biển và trên đất liền. Với vụ phóng thành công ngày 14-10, Ấn Độ hoàn thành bộ ba hạt nhân, đề cập đến các phương tiện triển khai vũ khí nguyên tử. Không giống như máy bay ném bom và tên lửa trên mặt đất, tàu ngầm được cho là khó tiêu diệt nhất trong bộ ba này.

Ấn Độ chính thức trở thành 1 trong 6 quốc gia sở hữu năng lực tấn công hạt nhân và đáp trả hạt nhân từ trên không, trên biển và trên đất liền. 5 quốc gia khác đã làm chủ năng lực này gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga. Đây cũng là 5 quốc gia thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) phản ánh bước tiến trong tham vọng tự lực sản xuất vũ khí của Ấn Độ. Quốc gia châu Á hiện là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào các khí tài quân sự Nga. Cuộc thử nghiệm “có ý nghĩa quan trọng, chứng minh năng lực của thủy thủ đoàn tàu ngầm, xác nhận rằng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là thành phần quan trọng trong năng lực răn đe hạt nhân của Ấn Độ”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ tìm cách trang bị bộ ba hạt nhân khi họ có lẽ là quốc gia duy nhất có láng giềng là hai cường quốc hạt nhân - Pakistan và Trung Quốc, kèm theo những tranh chấp lãnh thổ kéo dài, từng dẫn đến chiến tranh. New Delhi cam kết thực hiện học thuyết hạt nhân “không sử dụng trước”. Tuy nhiên, bóng ma về một cuộc xung đột hạt nhân vẫn còn bao trùm khu vực, đặc biệt là do mối quan hệ cực kỳ khó khăn của nước này với Pakistan, đất nước bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới. Chuyên gia Shishir Upadhyaya, một cựu sĩ quan tình báo Hải quân Ấn Độ, cho biết tàu ngầm Arihant cung cấp cho Ấn Độ năng lực tấn công đáp trả, được đảm bảo trong trường hợp có nguy cơ tấn công hạt nhân.

AN BÌNH