Phong tục uống rượu ghè đón khách quý của người Bahnar
Cũng như các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, người Bahnar sống mộc mạc, chan hòa, hiếu khách. Vì vậy, mỗi khi có khách đến chơi, bà con tận tình tiếp đón, xem đây là niềm vui của gia đình. Buổi tiếp có thể thiếu thịt heo, thịt gà… nhưng không thể thiếu rượu ghè. Hầu hết gia đình Bahnar dù nghèo đến mấy cũng có rượu ghè trong nhà phòng khi có khách.
Cách uống rượu ghè đón họ hàng, khách quý của người Bahnar cũng có những nét độc đáo riêng. Thông thường, trước bữa cơm mời khách, chủ nhà hoặc người già nhất trong gia đình bảo con cháu lấy ché rượu ghè ra mời khách. Ghè rượu phải đổ nước trước khi uống ít nhất 1-2 tiếng đồng hồ, để men nở hòa vào nước, vị rượu thêm đậm đà. Và phải đợi khách ăn cơm xong mới mời rượu, không để khách bụng đói khi uống.
Trước khi mời rượu, chủ nhà lấy 2 cái đing treng (cần rượu loại dài) cắm vào ghè rượu đã đổ đầy nước, rồi hút từng cần kiểm tra xem có mùi hay bị tắc gì không. Sau đó thì lấy cái khot (một loại cốc nhỏ làm bằng đồng có quai, thường chỉ dùng khi tiếp khách quý) múc nước đổ đầy miệng ghè, tay cầm kang (cang) vừa hẩy nước từ miệng ghè vừa khấn.
Ông Krung Dăm Veo (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, quê gốc ở huyện Kông Chro) cho biết: “Theo tập tục của người Bahnar ở các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, khách quý lâu ngày không gặp đến chơi thì phải mời rượu nhau. Trước khi uống rượu ghè thì phải khấn Yàng, ông bà, tổ tiên để không bị quở trách, làm vị khách đau bụng, khấn để được ban điều tốt lành cho khách. Khấn xong mới uống, không uống tùy tiện, lộn xộn”.
Trong khi uống rượu ghè, chủ nhà và khách vừa uống vừa trò chuyện và canh nước trong miệng ghè đến mức nào đó thì ngừng, lấy nước đựng trong khot rót lại, nếu nước đầy vừa miệng ghè thì tốt. Vì theo quan niệm của người Bahnar, nếu nước trong cái khot rót ra mà hụt thì họ nghĩ rằng vị khách tham ăn uống, không ý tứ. Còn nước thừa, tràn ra ngoài thì cho rằng vị khách đó là người thô lỗ, nóng tính, cục cằn, dễ gây bất hòa. Chỉ khi đổ nước trong khot đầy vừa miệng ghè thì được cho là người tốt tính, điềm đạm. Và, lượt uống đầu tiên này gọi là uống “pơih pơnâng” (khai vị).
Sau khi uống “pơih pơnâng”, chủ nhà lấy cần rượu cắm đủ với số người trong nhà và gọi tất cả cùng uống chung với khách, gọi là “et jơnum hoặc et hơdrum” để chia sẻ hương vị rượu ghè cũng như nhìn nhận anh em, bè bạn, xây đắp tình thân. Uống xong, chủ nhà nhổ các cần rượu, chỉ để lại 1 cần duy nhất để uống klăh, tức là uống riêng lẻ từng người với vị khách. Hoặc nếu buổi mời rượu, anh em, họ hàng của chủ nhà cùng mang rượu ghè sang góp vui thì vị khách phải uống rí-uống theo thứ tự từng ché rượu được xếp dài theo hàng ngang giữa gian nhà và lúc này mới bắt đầu dùng kang để đo lượng uống.
Khi uống, dù kang dài hay ngắn thì vị khách cũng không được tự tiện chỉnh độ dài-ngắn của kang. Vì làm vậy, chủ nhà sẽ nghĩ vị khách không tôn trọng và không hết lòng với họ. Thông thường, khi uống thì phải uống hết kang (kơtech kang) thì mới được rót lại nước và di chuyển cần rượu tới người uống kế tiếp. Tuy nhiên, trong lượt uống klăh này, vị khách có thể từ chối uống hết kang, nhưng phải uống đủ với các thành viên trong nhà, lần lượt từ người lớn tuổi hơn đến người nhỏ tuổi nhất.
Ông Krung Dăm Veo chia sẻ thêm: “Uống với người đầu tiên thì phải uống hết kang, cứ từ từ uống. Còn lần lượt những người thứ 2, thứ 3… về sau thì khách có thể xin phép uống ít dần hoặc có thể nhấp môi uống... gọi là. Nếu nhiệt tình uống hết, đều như mọi người thì qua lượt uống này vị khách sẽ say, quên cả trời đất”.
Trong mỗi cuộc uống rượu ghè mời khách, khi thấy vị khách uống nhiều, ngả nghiêng say, trò chuyện vui vẻ… thì gia đình càng quý mến vì cho rằng vị khách đã không chê bai gia cảnh, đồ ăn, thức uống của họ. Những ngày sau, nếu nhà có điều kiện thì làm thịt con heo, con gà hoặc nếu không thì ra sông suối bắt cua, bắt cá để ăn với khách trong thời gian tá túc tại nhà. Và, trước khi khách quý về, chủ nhà thường lấy một ché rượu ghè nhỏ (gọi là krek) để uống tiễn chân vị khách trở về bình an, mạnh giỏi.
Theo GLO