Báo Công An Đà Nẵng

Phụ huynh cần đồng hành với nhà trường trong giáo dục, chăm sóc con trẻ

Thứ hai, 21/09/2015 10:24

(Cadn.com.vn) - “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cho HS-SV” là một trong nhóm nhiệm vụ đầu tiên của 6 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 vừa được Bộ GD-ĐT triển khai. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh xã hội có nhiều tác động tiêu cực đến đời sống HS-SV hiện nay. Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương (N.N.H.V) - Trưởng Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thụ, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV từ nhà trường và cả phụ huynh (PH)...

 

P.V: Không phải đến bây giờ, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống và các kỹ năng sống cho HS-SV mới được đề cập đến. Tuy nhiên, khách quan mà nói, thời lượng dành cho các tiết học này trong các trường học không nhiều. Phải chăng vì chương trình hiện hành quá nặng, hay nền giáo dục của chúng ta trong một thời gian khá dài quá nghiêng nặng về “dạy chữ”, nhẹ về “dạy người” như nhiều người từng có ý kiến?

Ông N.N.H.V: Đúng là nền giáo dục của chúng ta suốt thời gian dài đã áp dụng một chương trình quá tải, quá nghiêng nặng về “dạy chữ”, tổ chức quá nhiều các cuộc thi kiến thức mà xem nhẹ “dạy người”. Chính vì thế, Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư đã xác định một trong những mục tiêu cơ bản của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; sống tốt và làm việc hiệu quả; xây dựng nền giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.

P.V: Bạo lực học đường đang ngày có dấu hiệu gia tăng, có chiều hướng trẻ hóa và lôi kéo nhiều HS cùng tham gia. Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa và biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu đối với vấn nạn này?

Ông N.N.H.V: Bạo lực học đường đã, đang là một thực trạng của ngành GD-ĐT nói riêng, của toàn xã hội nói chung. Theo tôi, những nguyên nhân dưới đây là phổ biến: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao. Nội dung các bài giảng bộ môn giáo dục công dân ở nhà trường vẫn quá khô khan, thiếu yếu tố cảm xúc, truyền cảm. Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, về ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành quy chế, nội quy cho HS chưa được duy trì thường xuyên và đầy đủ cả về thời lượng lẫn chất lượng, chưa tạo ra được sức đề kháng mạnh để phòng ngừa, bảo vệ HS trước những tác động tiêu cực của bên ngoài nhà trường.

Một số trường học chưa tạo ra được nhiều sân chơi văn hóa, thể thao hấp dẫn để thu hút HS tham gia. Một nguyên nhân cơ bản nữa là do sự tác động của các yếu tố tiêu cực trong xã hội đến HS. Giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận với các phương tiện thông tin giải trí hiện đại. Từ thích thú, tò mò đến mong muốn được “thử”, được khám phá và được “thực hành” là dễ hiểu. Mặt khác, không thể chỉ đổ lỗi giới trẻ bị tiêm nhiễm, lây truyền cái xấu từ truyền thông, từ thế giới mạng. Vẫn còn những hành động xấu, lối cư xử không đúng chuẩn mực của người lớn, ít nhiều tác động vào thế giới quan của các em, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Do thiếu tinh thần đấu tranh, thiếu sự kiên quyết chống lại cái xấu, tiêu cực, một bộ phận giới trẻ đã, đang chấp nhận sống chung với cái xấu...

Nếu xét ở góc độ sâu xa của bạo lực ở giới trẻ ngày nay còn do PH quá bảo bọc, nuông chiều con cái. PH thường giữ con trong nhà hoặc “lập trình” theo ý của mình. Chính vì vậy, trẻ dễ trở thành “thế hệ gối ôm”, “gấu bông” hay “gà công nghiệp” như cách gọi của xã hội hiện nay. Nhiều em lớn lên không biết làm việc nhà, không có kĩ năng chăm sóc bản thân mình, thiếu tự tin, thiếu kĩ năng sống, không nhận thức được những giá trị sống cần thiết... Vì quá bảo bọc, nuông chiều nên đứa trẻ dễ ích kỉ và vô cảm, mà ranh giới giữa vô cảm với bạo lực lại rất gần.

Theo tôi, những biện pháp sau đây sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng bạo lực ở giới trẻ: Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường để kịp thời trang bị cho HS những kiến thức nhất định về pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của HS. Phát triển mạnh mẽ các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác quản lý đối với những HS chây lười, thường hay trốn học để vào các hàng, quán uống cà-phê, hút thuốc lá, đánh bi-a, trò chơi điện tử... Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục con em trong việc thực hiện pháp luật, có biện pháp giúp đỡ những em có biểu hiện sai trái để kịp thời uốn nắn.

Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, tình cảm nhân đạo, lòng vị tha, rèn luyện kĩ năng sống, hình thành các giá trị sống... cho HS. Đặc biệt, một yếu tố hết sức quan trọng để một đứa trẻ có lòng nhân ái, vị tha, biết sống đẹp, sống tốt, sống có ích là người lớn phải đảm bảo cho các em được sống và lớn lên trong một gia đình yên vui, hạnh phúc. Đã đến lúc PH nên học cách dạy con thời hiện đại. Nói khác đi, cần phải đổi mạnh mẽ phương thức truyền thụ, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV từ nhà trường và cả gia đình, PH.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương tại buổi dạy kỹ năng sống cho HS tại lớp “Học kỳ quân đội”.

P.V: Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng, HS chính là tấm gương phản chiếu lại hình ảnh của người thầy, cha mẹ…?

Ông N.N.H.V: Trong tư tưởng về giáo dục của mình, Bác Hồ kính yêu từng rất coi trọng vấn đề giáo dục nêu gương. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho HS, gia đình và nhà trường cần coi trọng giải pháp nêu gương để thế hệ trẻ noi theo, tin tưởng, không hoài nghi, bất tín. Nếu không nêu gương thực sự thì mọi phương pháp giáo dục, mọi giải pháp đối với thế hệ trẻ sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.

P.V: Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi!

P.Thủy

(thực hiện)