Báo Công An Đà Nẵng

Phụ huynh tố nhà trường làm chứng từ khống trả tiền hỗ trợ học sinh miền núi

Thứ hai, 01/08/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Nghi ngờ hiệu trưởng và nhân viên thủ quỹ Trường THCS Cao Bá Quát (H. Cư M'gar, Đắc Lắc) giả chữ ký, làm chứng từ khống trong việc trả tiền hỗ trợ cho học sinh miền núi theo Nghị định 49, ông Lê Văn A (trú xã Cư M'gar, H. Cư M'gar) đã làm đơn tố cáo gửi đến nhiều cơ quan chức năng.

Giả chữ ký để làm chứng từ khống

Ông A trình bày: "Theo Nghị định 49 của Chính phủ, mỗi học sinh miền núi được hỗ trợ 630 ngàn đồng. Con tôi - cháu Lê Anh Tuấn đã tốt nghiệp cả năm rồi nhưng lần nào vợ chồng tôi lên hỏi khoản tiền này thì cô Nguyễn Thị Việt (nhân viên thư viện, kiêm thủ quỹ) đều nói chưa có. Sáng 7-6, tôi đi ngang qua trường thì thấy có cuộc họp hội đồng nên ghé vào hỏi thầy Lê Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát và toàn thể hội đồng về việc tiền Nghị định 49 đã trả hay chưa. Trước câu hỏi bất ngờ của tôi, thầy Bảy đã dẫn tôi lên gặp cô Việt. Tại đây, cô Việt cho biết, em Tuấn đã ký nhận và lấy tiền hỗ trợ theo Nghị định 49 rồi. Tôi khẳng định, cháu Tuấn và vợ chồng tôi chưa từng ký tên và nhận khoản tiền hỗ trợ này. Tôi quay lại hỏi thầy Bảy, học sinh hay phụ huynh có quyền nhận khoản tiền này thì thầy hiệu trưởng trả lời là không biết".

Cũng theo ông A., trưa cùng ngày, thầy Bảy cùng 2 nhân viên của trường mang danh sách học sinh ký nhận tiền theo Nghị định 49 xuống nhà tôi để so sánh chữ ký của cháu Tuấn. Ông A lý giải: "Sau khi quan sát kỹ, thầy Bảy khẳng định chữ ký trong danh sách nhận tiền không giống với nét chữ của con tôi. Sau đó, thầy Bảy đề nghị tôi xóa chữ ký giả này rồi ký vào danh sách để nhận tiền. Tuy nhiên, tôi không đồng ý và yêu cầu cô Việt phải giải thích rõ ràng về sự việc bất thường, nhiều khuất tất này. Khoảng 30 phút sau đó, cô Việt đích thân xuống và nói: "Do cháu sơ suất không để ý khi các học sinh vào ký nhận tiền nên mới xảy ra sự việc này". Sau đó, cô Việt lấy 630 ngàn đồng tiền Nghị định 49 đưa cho con tôi".

Tuy nhiên, ông A không nhận tiền và yêu cầu cô Việt cùng thầy Bảy phải rà soát lại xem còn những học sinh nào chưa nhận được khoản tiền này. Sau đó, ông sẽ là người ký nhận cuối cùng. Trước sự cương quyết của ông A, thầy Bảy và cô Việt đã đồng ý rà soát lại. Kết quả cho thấy, không chỉ riêng em Tuấn mà 5 học sinh khác cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự.

Ông A nói về việc con mình bị giả chữ ký nhận tiền hỗ trợ.

Hiệu trưởng thừa nhận thủ quỹ làm sai

Cho đến ngày 22-6, ông A gọi cho thầy Bảy để hỏi kết quả vụ việc. Qua điện thoại, thầy Bảy thách thức và nói ông A muốn làm gì thì làm, kiện ở đâu thì kiện. "Quá bức xúc, ngày 22-6, tôi đã làm đơn tố cáo gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Sau khi nhận đơn, thầy Nguyễn Hồng Sơn - Phòng GD-ĐT H. Cư M'gar có vào trường xác minh và gọi tôi lên xã làm việc. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, 4 ngày sau đó, thầy Sơn lại vào nhà tôi và nói: "Anh nhẹ tay một tí. Vì thầy Bảy là đảng viên, cũng sắp về hưu rồi" - ông A chia sẻ. Cho rằng việc thầy Sơn bao che cho những điều sai trái, ông A trả lời: "Nếu việc này không làm ra lẽ, tôi sẽ làm đơn kiện cả thầy về việc đồng lõa".

Để làm rõ những thông tin tố cáo của ông A, chúng tôi đã liên hệ với thầy Lê Văn Bảy. Thầy Bảy cho hay: "Tiền Nghị định 49 là hỗ trợ học tập của năm học 2012-2013. Nhưng đến tháng 6-2015 thì trường mới nhận được thông báo là phát tiền hỗ trợ này cho học sinh. Lúc này, em Tuấn đã tốt nghiệp ra trường rồi. Hơn thế, thời điểm phát tiền hỗ trợ lại trúng dịp hè nên ngoài dán thông báo, nhà trường còn thông qua đài phát thanh của địa phương, thông báo cho những học sinh học trong năm 2012-2013 quay lại trường để nhận tiền hỗ trợ".

Chữ ký của em Tuấn được cô Việt cho ký thay trong danh sách nhận tiền.

Về việc bỗng nhiên có chữ ký của em Tuấn trong danh sách nhận tiền hỗ trợ, thầy Bảy giải thích: "Trường hợp của em Tuấn, sau khi Phòng LĐ-TB&XH trừ tiền mua sách, mua vở thì em này được nhận 181 ngàn đồng, trong khi em đang nợ tiền nhà trường 616 ngàn đồng. Thấy số tiền nợ nhiều hơn tiền nhận nên em Tuấn bỏ về, không ký. Theo nguyên tắc, em đó không ký thì mình phải trả lại tiền cho Phòng LĐ-TB&XH. Nhưng cô Việt nghĩ học sinh đang nợ nhà trường nên cô làm thủ tục quyết toán để giữ 181 ngàn đồng cho em Tuấn. Cho đến khi học sinh lấy học bạ thì chỉ đóng số tiền nợ hơn 400 ngàn đồng còn lại. Hơn nữa, do muốn quyết toán đúng thời gian quy định, cô Việt mới nhờ học sinh khác ký thay em Tuấn rồi viết chứng từ để truy thu 181 ngàn đồng trừ nợ cho em Tuấn. Việc nhờ người khác ký nhận tiền thay cho em Tuấn là cô Việt sai".

Về đề nghị "thỏa thuận" với ông A, thầy Bảy phân trần: "Sau khi sự việc xảy ra, tôi có phân tích với ông A rằng "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Tôi vẫn biết con anh còn nợ chừng ấy tiền và chỉ nhận được 181 ngàn đồng sau khi bị trừ tiền sách vở. Để cho vui vẻ giữa phụ huynh và nhà trường thì tôi đề nghị cô Việt xóa phiếu thu, không truy thu tiền con anh nữa mà phát trở lại cho anh 181 ngàn đồng. Thế nhưng ông A không đồng ý, đòi phát đủ 630 ngàn đồng. Sau đó, ngày nào ông A cũng gọi điện nên tôi bực, có nói chú muốn làm gì thì làm, muốn kiện ở đâu thì kiện. Còn chuyện thầy Sơn nói thế nào với ông A thì tôi không biết".

Chiều 28-7, ông Lê Hữu Quynh - Trưởng phòng GD-ĐT H. Cư M'gar thông tin: "Sau khi nhận được đơn thư, chúng tôi có ra quyết định thành lập tổ xác minh nội dung đơn tố cáo gồm có: ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Trí. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức của bộ phận xác minh về vụ việc này. Do vậy, hiện giờ chúng tôi vẫn chưa kết luận được nội dung đơn tố cáo đúng đến đâu, sai đến đâu. Riêng việc ông A phản ánh thầy Sơn đến "xin" cho thầy Bảy thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh lại. Nếu như thầy Sơn có hành động đúng như ông A nói thì phòng sẽ xử lý đúng theo quy định pháp luật, không bao che".

Nguyên Trịnh