Phụ nữ nông thôn “cởi mở” hơn với chuyển khoản
Thích ứng để tiện lợi hơn
6 giờ sáng hằng ngày, chợ Văn Quang (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đã rộn ràng hoạt động mua bán. Tại mỗi quầy hàng, các tiểu thương đều trang bị mã QR để người mua có thêm lựa chọn trong việc thanh toán.
Tại các quầy hàng thu hút đông khách, việc thanh toán không dùng tiền mặt càng thể hiện sự tiện lợi. Người bán chỉ cần soạn hàng cho khách và nói giá, khách chuyển khoản. “Lúc đông khách, tôi bớt được thao tác nhận tiền, thối tiền thừa, giúp tiết kiệm nhiều thời gian hơn. Sau mỗi buổi bán hàng, việc kiểm tra lại tiền chi - nhận trên tài khoản rất rõ ràng, nhanh chóng, đặc biệt không lo việc thối tiền nhầm lẫn”, bà Nguyễn Thị Hồng, bán cá ở chợ Văn Quang, chia sẻ.
Tại chợ Phù Cát (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), nhiều tiểu thương đã quen với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Hồ Thị Hạnh, bán đồ gia dụng tại chợ Phù Cát, cho biết: “Số người mang theo tiền mặt giảm dần, nếu không sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người bán sẽ mất rất nhiều khách hàng. Sau thời gian tiếp cận, sử dụng mã QR, tôi thấy việc mua bán, thu chi rõ ràng, đặc biệt là giữ chân được khách hàng cũ lại có thêm nhiều khách hàng mới”.
Không chỉ ở chợ truyền thống, một số hàng quán nhỏ cũng bắt đầu quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Thái Thị Thanh Thủy, chủ quán nước mía gần bờ biển Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), kể: “Không chỉ người dân địa phương, bãi biển thu hút rất nhiều khách phương xa. Khi đi tắm biển họ rất ngại mang theo tiền mặt, nhu cầu thanh toán qua mã QR rất cao. Trước khi vào quán, nhiều khách còn hỏi có thanh toán trực tuyến không mới yên tâm gọi nước”.
Tiếp tục nhân rộng
Thanh toán không dùng tiền mặt được ứng dụng ở nhiều nơi, nhiều người mua hàng bày tỏ sự thích thú và mong muốn hoạt động này tiếp tục được nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Huệ, khách mua hàng ở chợ Phù Cát, cho hay: “Ai đi chợ thường xuyên sẽ biết những dịp chợ phiên hay lễ tết, chợ thường xảy ra tình trạng mất cắp, tiền giả. Bây giờ sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán, chúng tôi không còn sợ nữa. Mong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được lan tỏa hơn nữa”.
Để các tiểu thương tại chợ truyền thống ngày càng “mở lòng” với thanh toán không dùng tiền mặt, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ.
Tại xã Phước Quang, sau khi tiểu thương dần quen với việc nhận thanh toán qua mã QR, Hội LHPN xã vẫn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, như tổ chức “Phiên chợ quê, thanh toán không dùng tiền mặt”; phân công lực lượng đi chợ để hỗ trợ giúp việc thanh toán được thông suốt.
Bà Ngô Thị Tám, thành viên Chi hội phụ nữ thôn Tân Điền (xã Phước Quang) cho biết: “2 lần/tuần, chúng tôi cùng nhau đi chợ để quan sát việc ứng dụng mã QR trong thanh toán; ghi nhận thắc mắc, giải đáp kịp thời để động viên các tiểu thương duy trì hoạt động này, tạo thành thói quen về lâu dài”.
Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Hội LHPN xã cũng đang tích cực vận động, hướng dẫn tiểu thương trên địa bàn tham gia hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Bùi Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Lý, thổ lộ: “Đa số tiểu thương là người lớn tuổi nên còn hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Các tiểu thương đã cài đặt mã QR, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn để các cô, các chị hiểu lợi ích và cách thức thực hiện hoạt động này. Khi xã lắp đặt wifi miễn phí tại chợ, hoạt động này sẽ dễ dàng triển khai và sôi nổi hơn”.
Theo Bình Định online