Báo Công An Đà Nẵng

Phụ nữ Pakistan ám ảnh "nỗi đau acid"

Thứ ba, 24/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Số trường hợp bị tấn công bằng acid đang gia tăng ở hầu hết các khu vực tại Pakistan, mặc dù chính phủ đã áp dụng mức hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm loại này. Ước tính, hơn 150 phụ nữ bị chồng tạt acid mỗi năm và nhiều người trong số này không bao giờ tìm được công lý.

Khuôn mặt biến dạng

Tên cô là Shama, có nghĩa là "ngọn nến" - một "ngọn nến le lắt trước gió". Người mẹ trẻ của 4 đứa con đau đớn kể rằng, mình đã bị chồng đốt cháy da thịt như một ngọn nến và trở thành "thành viên" mới nhất trong đội ngũ những phụ nữ Pakistan bị tạt acid. Đó là một "vết sẹo" trong cuộc đời khi cô bị bỏng đến 15% cơ thể. Nguyên nhân do... cô quá đẹp.

"Chúng tôi thường cãi nhau vì anh ta hay ghen. Một đêm,  anh ta ném acid vào tôi và bỏ đi", Shama nói với vẻ đau đớn khi nằm trên giường bệnh. Khi bỏ đi, gã này mang theo điện thoại di động của Shama vì vậy cô không thể gọi người giúp đỡ. Shama cho thấy một bức ảnh chụp tại một bữa tiệc cách đây 4 tháng. Đó là bức hình một phụ nữ trẻ hấp dẫn, xinh đẹp. Nhưng acid đã lấy đi tất cả những tự hào của cô. "Tất cả màu sắc đã biến mất khỏi cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi không có quyền để sống", cô nói, với hàng nước mắt chảy dài trên gò má cháy sém của mình.

Shama hiện đang nằm tại khu điều trị bỏng tại Bệnh viện Nishtar tại Multan, tỉnh Punjab, Pakistan. Đó là một bệnh viện cũ nát với các bức tường thạch cao xù xì, những đường ống bị rò rỉ. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây là những chuyên gia điều trị cho các phụ nữ bị biến dạng bởi acid vì mỗi tuần họ đều tiếp nhận điều trị cho 1 hoặc 2 nạn nhân. Vào lần thăm khám buổi sáng, họ đến giường Shama, bảo cô ăn một chút và bôi kem vào vết bỏng. Họ cố gắng giảm đau các vết thương của cô, nhưng không thể xua đi nỗi tuyệt vọng trong cô. "Tôi không thể nói bất cứ điều gì về tương lai. Nếu không vì con, có lẽ tôi sẽ không sống được. Nếu không làm được, tôi sẽ làm giống những cô gái khác đã làm. Đó là tự tử".

Tại khu điều trị bỏng này, có một người mới được đưa đến. Một phụ nữ tên Maqsood vẫn còn mặc bộ quần áo bị acid làm rách bươm. Bên dưới chiếc khăn choàng màu kem, da mặt bà bị bong đi và mắt phải không mở ra được. "Trong đêm tối, con rể tôi ném acid vào người tôi. Sau một tranh chấp nhỏ trong gia đình. Anh ta đột nhập nhà tôi thông qua mái nhà. Anh ta đã bị bắt sau đó, và hiện đang bị giam giữ", bà Maqsood cho biết.

Bác sĩ phẫu thuật Bilal Saeed cho biết đã điều trị hàng trăm phụ nữ bị tạt acid trong những năm gần đây. Ông thừa nhận rằng, mình bị trầm cảm nghiêm trọng vì công việc này. "Chúng tôi làm phẫu thuật và thẩm mỹ cho những bệnh nhân này. Nhưng dù chúng tôi có làm gì đi nữa, chúng tôi không bao giờ thấy họ cười". Nhiều người đã tự tử trong khi những người khác buộc phải quay lại với người chồng đã tạt acid họ vì áp lực xã hội hoặc các vấn đề tiền bạc.

Nạn nhân bị tạt acid Shama đau đớn nằm trên giường bệnh. Ảnh: BBC 

Không tìm được công lý

Fakhra Younis, một cựu vũ công tại Karachi, là một trong những phụ nữ phải kết thúc cuộc sống của mình để thoát khỏi đau khổ. Fakhra đã chết hai lần - một lần khi cô bị chồng mình tạt acid cách đây 13 năm, và một lần nữa khi cô tự tử ở Italia hồi tháng trước. Trong suốt khoảng thời gian này, cô đã phải chịu đựng gần 40 ca phẫu thuật.

Những người ủng hộ cho rằng, Fakhra đã từ bỏ hy vọng nhận được công lý. Người chồng cũ của cô, xuất thân trong một gia đình có thế lực chính trị mạnh mẽ, đã được tuyên bố trắng án sau vụ tấn công. Cái chết của Fakhra là tiêu đề chính trên các trang báo trong thời gian đó. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, nhiều nạn nhân không được xã hội quan tâm như thế và nhiều người lại chọn cách im lặng. "Chỉ có khoảng 10% các trường hợp được đưa ra tòa", Zohra Yusuf, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Pakistan cho biết. "Ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng của Fakhra, việc truy tố cũng gặp khó khăn. Trong khoảng thời gian đó, cảnh sát đã không tiếp nhận trường hợp của cô".

Theo một đạo luật được thông qua năm ngoái, người phạm tội tạt acid phải đối mặt với một hình phạt nặng hơn trước đây - từ 14 năm tù đến chung thân. Tuy nhiên, hầu hết những kẻ tấn công vẫn được tự do, theo Marvi Memon, một chính trị gia ủng hộ luật mới này. Theo bà Memon, nguyên nhân là do sự thiếu hụt ý chí chính trị trong việc thực thi pháp luật. "Việc cảnh sát hợp tác với phụ nữ là một điều rất khó, bởi vì họ không phải chịu một áp lực nào để làm điều này".

Chính phủ thừa nhận, họ cần phải làm nhiều hơn cho các nạn nhân bị tạt acid song lại cho rằng, việc thực thi pháp luật mới là một thách thức lớn.

An Bình

(Theo BBC)