Báo Công An Đà Nẵng

Phú Quốc xanh

Thứ năm, 18/02/2016 10:07

(Cadn.com.vn) - 1. Ra khỏi Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, nhờ cánh xe ôm, tôi thuê được một chiếc Wave, bắt đầu lang thang giữa hòn đảo có hình dáng châu Mỹ Latinh, một vòng khoảng 180 km là bao trọn 593 km vuông đảo. 180 km ấy là những con đường tôi chạy xe máy kiểu du lịch phượt, chứ Phú Quốc mới có con đường trục từ thị trấn Dương Đông đến thị trấn An Thới bốn làn xe; đường từ huyện lỵ đến Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm... phần lớn đã thảm nhựa, êm ru, đến các điểm du lịch và dân cư gần hơn rất nhiều.

Phú Quốc có đến 99 ngọn núi, hùng vĩ nhất là dãy Hàm Ninh kéo dài 14 km, có ngọn Núi Chúa cao nhất đảo, 565 mét so với mặt nước biển. Sao lại 99 ngọn mà không phải 100? Truyền thuyết kể rằng, nhiều ngàn năm trước, Phú Quốc có đủ 100 ngọn núi, mỗi ngọn do một con chó có xoáy trên sống lưng và lông sống lưng chỉa ngược về phía đầu, canh giữ. Tiếc thay, có một con chó sợ độ cao, nên không hoàn thành "trọng trách", để cho lâm tặc đốn hạ một cây hoàng đàn giả mấy trăm năm tuổi, làm Tạo Hóa giận, dìm luôn ngọn núi ấy xuống biển. Chín mươi chín ngọn núi còn lại đến nay vẫn bạt ngàn xanh 529 loài thực vật bậc cao và chứa trong lòng chúng 151 loài động vật, trong đó có loài chó xoáy gần như độc nhất trên thế giới chạy trên cheo leo ngàn trượng cũng không ngợp, hậu duệ của 99 con chó giữ núi xưa kia.

Phú Quốc có 16 đảo lớn nhỏ, hệ sinh thái biển đa dạng với trên 100 loài san hô, 125 loài cá, 62 loài rong biển, đặc biệt là trai tai tượng, ốc đụn, đồi mồi, bò biển (dugong) cùng rừng già nguyên sinh với hai con sông Dương Đông, Cửa Cạn và hàng trăm con suối lớn nhỏ cung cấp nước vào mùa khô, tiêu úng vào mùa mưa... Phú Quốc có 31.422 ha rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia và 6.122 ha rừng vùng đệm, đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới.

Tôi đến suối Đá Ngọn, một con suối rất ít dấu chân người, khuất lấp dưới những tầng cây trải dài từ hai ngọn núi cách Dương Đông mươi cây số. Suốt chiều dài ngược suối Đá Ngọn, cảnh quan đẹp đến mê hồn với chồi biếc đan vòm trên những cây cổ thụ, xen tiếng chim họa mi như giọng nữ cao sang trọng là tiếng cúc cu xao lòng nỗi nhớ cố hương, là tiếng chim "khó khăn khắc phục", tiếng tắc kè "sắp về sắp về" da diết chẳng khác giữa Trường Sơn đại ngàn những chiều chiến tranh im tiếng súng. Không còn rừng nguyên sinh không bao giờ có những âm thanh ấy, không bao giờ có dòng nước đầu mùa mưa tung bọt xuống những vũng xanh ngời sáng da con gái lén đám lính trận chúng tôi tắm trần như thuở nào Trường Sơn...

Biển Dinh Cậu.

2. Tôi tìm về Cửa Cạn theo hướng hương hoa tràm nồng ấm lan tỏa hai mươi mấy cây số xa khi lắc rắc mưa. Tìm hương tràm lại được gặp cái màu tím hoa sim mỏng tang mà thủy chung, từng neo vào lòng những người lính chúng tôi trên "Cung đường Đỏ" A Sầu, A Lưới về Huế; Hải Lâm, Triệu Thượng về thành cổ Quảng Trị những chiều trinh sát chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968... Hàng trăm héc-ta tràm gió, loại tràm làm ra tinh dầu quý, những vạt sim quả mọng tím môi người cái vị chát chua ngọt bùi đang dần nhường chỗ cho những sân golf xanh màu xanh giả tạo với những bãi cỏ tỉa tót, những hồ nước bé tẹo, những resort nửa quê nửa tỉnh. Đang mùa sim tím... Em nhắc tôi... Không phải nhắc đến loại rượu sim nổi tiếng mấy năm nay mà chỉ Phú Quốc mới có, mà là mùa hoa sim tím đảo để dịp Tết ta thì cho quả chín mọng, dìu dặt thơm.    

Tôi tìm về Cửa Cạn bởi văng vẳng tiếng sủa đanh gọn của giống chó Phú Quốc được anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh của Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970 nuôi. Nhà anh tạm bợ bên một con rạch đầy vơi theo triều biển, trong ngoài toàn chó là chó, như anh nói, nuôi để lưu giữ nguồn gene quý hiếm, ai biết chơi và mua đúng giá thì bán. Anh biết nhiều chuyện về giống chó Phú Quốc làm tôi kinh ngạc. Thì ra những nhà quý tộc chuyên chơi chó ở châu Âu, nhất là Pháp và Bỉ, thế kỷ XIX đã xếp chó Phú Quốc vào loại chó săn thỏ, là loại chó nhanh nhẹn nhất, có độ bền sức chạy hơn chó dingo châu Úc. Thỏ không thể đua tốc độ với chó nhưng biết cách chạy dích dắc, đặc biệt là ngoặt hướng rất đột ngột làm chó vồ trượt, thậm chí gãy chân, nhưng không thể thoát khỏi chó Phú Quốc! Tôi từng nghe Giáo sư Dư Thanh Khiêm, Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe Saint Pierre, Vương quốc Bỉ thuyết trình về chó Phú Quốc, loài vật mà ông đã nghiên cứu hàng chục năm qua. Ông dẫn chứng hai con chó Phú Quốc sinh năm 1892 có lông màu lửa, con đực tên là Mango (Xoài), con cái tên là Banane (Chuối), đem về Pháp khi hai tuổi, được tuyển chọn tham gia triển lãm chó quốc tế ở Anvers, Bỉ trong hai ngày 15 - 16 tháng 7 năm 1894 mà catalogue còn lưu giữ đến ngày nay, được xếp vào một trong những giống chó quý và nổi tiếng nhất thế giới, được tặng huy chương hạng nhất, là huy chương đầu tiên trên đấu trường quốc tế của Việt Nam, được đấu giá mỗi con đến 25.000 quan Bỉ, gấp mấy trăm lần giá các con chó khác cùng dự thi, tính ra giá trị tiền Việt Nam bây giờ là khoảng 25 tỷ đồng!

Tôi tin kiến thức về chó Phú Quốc của anh bạn, tin kiến thức về chó Phú Quốc của Giáo sư Dư Thanh Khiêm, nên càng tin khi nghe một lão nông ở ấp Cây Thông Trong dưới chân núi Chóp Chài kể, những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng này là căn cứ của lực lượng kháng chiến, quân dân luôn thiếu thực phẩm nên thường thả chó xoáy vào rừng kiếm "chất tươi" sau khi đã "dặn" chúng săn thỏ, săn mển hay săn chồn... Thường thì chúng thực hiện y chang mệnh lệnh nhưng cũng có hôm gặp con mồi bự quá, như con nai chẳng hạn, biết không thể tha về được, cả bầy chó dẫn đầu, chặn đuôi, ngoặt phải, quẹo trái lùa con vật về tận chòi canh rẫy cho chủ làm thịt! Tôi hỏi có còn hậu duệ của đàn chó ấy, lão nông buồn rượi mà rằng, chiến tranh, giặc giã làm con người ly tán, con xoáy cũng tứ tán, bây giờ tìm được con chó Phú Quốc thuần chủng không dễ. Tôi lại hỏi, con xoáy quý như vậy, tại sao trong đất liền, ngay Hà Tiên cũng rất hiếm, lão nông thủng thẳng kể: "Ông nội qua nói chó xoáy rời Phú Quốc thì khó sống lắm, vì chúng nhớ đảo mà phát bệnh. Mấy ông Tây thực dân muốn đem con xoáy về châu Âu phải mang theo đất và nước Phú Quốc, đất thì để nơi con xoáy nằm, nước thì lâu lâu cho con xoáy uống. Không có đất và nước cố hương, chăm sóc cách mấy con xoáy không chết cũng còi cọc".          

3.Phú Quốc đang là đại công trường xây dựng vì được quy hoạch là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cấp quốc gia và quốc tế với ba khu đô thị và 15 khu du lịch sinh thái, và sẽ là một trung tâm tài chính lớn của khu vực Đông Nam Á. Với sự hỗ trợ mọi mặt từ Chính phủ, đảo ngọc Phú Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ để đến năm 2020 trở thành đặc khu kinh tế. Ước tính đến hết năm 2030, dự kiến sẽ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng đề án thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh trước khi thực hiện đề án xây dựng Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương.

Nhưng với riêng tôi, Phú Quốc có "siêu hiện đại" đến đâu cũng xin đừng chặt phá rừng, đừng làm cho màu xám xịt của bê-tông cốt thép lấn át dần màu xanh cây trái. Bài học của mấy ngàn năm trước về cây hoàng đàn giả bị lâm tặc đốn hạ làm Tạo Hóa nổi giận dìm một ngọn núi xuống biển còn nhỡn tiền...

Phương Hà