Báo Công An Đà Nẵng

"Phủ sóng" mạng lưới PCCC cơ sở

Thứ ba, 23/05/2023 07:05
P. Hòa Khánh Nam kết hợp "Điểm chữa cháy công cộng" với cứu nạn, cứu hộ và phòng chống thiên tai.

Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện liên tiếp xảy ra những vụ cháy gây chết người thương tâm xảy ra trên cả nước. Đáng nói, các vụ cháy đều xảy ra ban ngày nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Nếu công tác phát hiện đám cháy và chữa cháy ban đầu được thực hiện hiệu quả hơn với trang thiết bị báo cháy, chữa cháy có sẵn thì hậu quả sẽ không nặng nề như đã xảy ra. Những vụ việc trên như hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn PCCC tại loại nhà ống trong đô thị, nhất là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng, các sự cố chạm chập xảy ra nhiều hơn do quá tải.

Do đó, việc thực hiện cao điểm xây dựng, nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng", tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư, kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC và vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát nạn thứ 2 (gọi tắt là đợt cao điểm) theo phát động của Bộ Công an thời gian qua là vô cùng cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay.

Tại Đà Nẵng, sau khoảng 1 tháng phát động đợt cao điểm đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Công an TP Đà Nẵng đã rà soát xây dựng, ra mắt 146 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", 1.015 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng"; tổ chức 531 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC kết hợp thực tập phương án chữa cháy với hơn 110.000 người dân tham gia. Đồng thời, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay và hơn 200.000 hộ gia đình thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2.

Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho hay, để có được kết quả trên, Ban Giám đốc Công an TP đã quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc 4 mục tiêu đề ra trong đợt cao điểm, yêu cầu Công an địa phương thực hiện báo cáo tiến độ thực hiện theo ngày. Nhờ đó, tiến độ thực hiện đợt cao điểm được cập nhật liên tục, kịp thời phê bình đơn vị chậm tiến độ, động viên đơn vị có nhiều sáng kiến, kết quả nổi bật. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP cũng tổ chức 7 tổ công tác để hỗ trợ các địa phương; chủ trì kêu gọi, vận động được 136 bộ thiết bị, vật dụng cho các "Tổ liên gia an toàn PCCC" với số tiền là 179 triệu đồng. Dựa trên đặc điểm về địa hình, giao thông của từng địa phương, sự rà soát của các đơn vị, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phân bổ các thiết bị phù hợp cho Công an các quận, huyện, giảm bớt kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho người dân.

Chi đoàn Công an phường An Hải Tây tặng mặt nạ phòng độc tại 18 "Điểm chữa cháy công cộng".

Một số Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nghiên cứu, áp dụng triệt để, linh hoạt các biện pháp, giải pháp theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng trong thực hiện xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" vừa tiết kiệm tối đa kinh phí thực hiện, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động trong thực tế. Điển hình, CAP Tân Chính (Q. Thanh Khê) đã chủ động khảo sát giá, tự mua sắm các vật tư, trang thiết bị; sử dụng lực lượng Công an và lực lượng nòng cốt tại khu dân cư hỗ trợ việc thi công, lắp đặt mô hình, qua đó giảm tối đa kinh phí khi chỉ tốn 2,7 triệu đồng cho 1 mô hình/5 hộ gia đình; UBND P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) xây dựng các "Điểm chữa cháy công cộng" kết hợp với phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại các kiệt hẻm mà xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ không thể tiếp cận được; CAP Hòa Thuận Đông (Q. Hải Châu) xây dựng thêm mô hình "Mạng lưới nhà trọ an toàn PCCC"…

Có thể nói, thời gian ban đầu triển khai đợt cao điểm gặp khó khăn trong công tác vận động các hộ dân trong tổ liên gia song với cách làm hay, bền bỉ thuyết phục đã giúp những hộ dân thay đổi nhận thức, đồng ý tham gia vào mô hình một cách tự nguyện. Có mặt tại buổi ra mắt chữa cháy tại khu dân cư Tân Lập 1, Tổ dân phố số 3 P. Thạch Thang (Q. Hải Châu) mới thấy hết được sự phấn khởi của những hộ dân tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC". Ông Nguyễn Ngọc Hải Đại, tổ trưởng nói, nhiều gia đình không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên khi xảy ra cháy không có phương tiện dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" ra đời sẽ là giải pháp cho những nhà liền kề có nguy cơ cao về cháy nổ. Người dân rất phấn khởi nên mong muốn chính quyền nghiên cứu, xây dựng thêm những mô hình như vậy.

Trung tá Hoàng Đình Hải- Phó trưởng CAP Thạch Thang thông tin thêm, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC cho người dân. tại phiên chợ hàng Việt do UBND P. Thạch Thang tổ chức diễn ra trong hai ngày 13, 14-5, CAP Thạch Thang đã chủ động tham mưu UBND phường bố trí gian hàng trưng bày các trang thiết bị, phương tiện về PCCC, đồng thời phân công cán bộ, chiến sĩ phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về PCCC và hướng dẫn kỹ năng, cách sử dụng bình chữa cháy cho người dân đến tham quan, mua hàng. Qua đó, đưa những vật dụng chữa cháy không còn trở nên xa lạ với người dân, không còn là những buổi lý thuyết khi được nghe cán bộ tuyên truyền mà người dân tận mắt, tận tay thực hành sử dụng, hiểu công năng của từng vật dụng… nhiều người dân và khách hàng có cơ hội trực tiếp khảo giá các trang thiết bị PCCC, từ đó lựa chọn phương tiện phù hợp với điều kiện để trang bị tại hộ gia đình.

Thực tập phương án chữa cháy tại P. Thạch Thang, Q. Hải Châu.

Với việc "phủ sóng" các "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" trong thời gian qua, đã có nhiều vụ cháy được dập tắt ngay từ ban đầu nhờ vào những mô hình này. Mới đây nhất, "Tổ liên gia an toàn PCCC" số 01 thuộc P. An Khê (Q. Thanh Khê) đã nhanh chóng, kịp thời, dập tắt đám cháy khu vực nấu ăn tại quán cơm 79 trên đường Huỳnh Ngọc Huệ. Sau sự việc, anh Lê Vũ Ban, chủ cơ sở quán cơm 79 đã viết thư cảm ơn gửi UBND và Công an phường An Khê và bày tỏ mong muốn mô hình tổ liên gia tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn TP.

MAI VINH