Báo Công An Đà Nẵng

“Phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam: “Tôi ít nghĩ đến hào quang, chỉ muốn thử thách mình thôi!”

Thứ năm, 16/05/2019 08:39

Một show nghệ thuật hoành tráng chưa từng có trên đỉnh Bà Nà, một miền đất “không có thật” sẽ được tạo nên, để du khách tới đó ngỡ ngàng như lạc giữa xứ thần tiên. Trò chuyện với Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam của show nghệ thuật “Vũ hội Ánh dương”, càng tò mò hơn về show diễn được cho là sẽ thay đổi diện mạo của Bà Nà Hills.

 

Trước hết, xin hỏi cơ duyên nào đã đưa “phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam đến với show nghệ thuật Vũ hội Ánh dương?

Tôi làm nghề hơn 20 năm, show lớn, show nhỏ đều đã tham gia. Cũng bởi vậy, tôi có nhiều cơ hội được làm việc với Tập đoàn Sun Group. Với tôi, đây là một “đơn đặt hàng” rất quan trọng. Ban lãnh đạo Sun Group đã truyền cho tôi một nhiệm vụ với cách suy nghĩ ở tầm mới. Đó không phải một show diễn thông thường, chỉ diễn một lần mà là một dự án dài hơi mà tôi chưa bao giờ làm. Một show diễn hàng ngày, mỗi ngày 2 suất, kéo dài trong 4 tháng là một sự kiện quá lớn và khác hoàn toàn với những show trước đó tôi đã làm.

Và anh đã được khơi nguồn cảm hứng từ đâu để cho ra đời kịch bản của show diễn này?

Mọi ý tưởng phải bắt đầu từ thực tế. Sau khi ở Bà Nà một thời gian, quan sát cách vận hành, tác phẩm in ấn, tất cả hệ thống bảng biểu kiosk…, tôi thấy thiếu một câu chuyện, thiếu sự hướng dẫn để khách đến đây có thể tìm các điểm vui chơi giải trí, ăn uống theo một lộ trình thú vị.

Và tôi nghĩ đến một câu chuyện có phần không tưởng, dựa trên vẻ đẹp của Bà Nà. Tôi tưởng tượng đó là một vùng đất không tồn tại trên thực tế, không biết đó là thời nào, có thể là trung cổ, có thể tương lai, chỉ biết rằng nó không tồn tại trên mặt đất, cũng chẳng ở trên trời. Du khách khi tới đó sẽ được trải nghiệm những điều họ chưa từng thấy ở một xứ sở nào, để rồi chỉ khi trở về thế giới bình thường, họ mới biết mình vừa được du ngoạn một xứ sở thần tiên.

Xứ sở được gọi với cái tên Miền đất Ánh sáng ấy được cai quản bởi thần mặt trời, với thủ phủ là Kinh đô Ánh sáng và nhiều vùng đất khác nhau. Ở miền đất đó, mỗi năm, Thần mặt trời sẽ tổ chức một Vũ hội Ánh dương, nơi thần dân các vùng đất sẽ trổ tài thi thố, để trưng ra những gì được cho là tinh hoa nhất và dành “vương miện hướng dương” trong vòng một năm. Lãnh chúa cai quản vùng đất đó cũng sẽ được hưởng nhiều đặc ân hậu hĩnh.

Với những vùng đất như thế, nếu chỉ làm một show thì không đủ. Thế nên chúng tôi quyết định làm các mini show riêng của mỗi vùng, rồi ghép thành câu chuyện chung. Như vậy, khi đến mỗi vùng đất trong Miền đất Ánh sáng, du khách sẽ được xem các minishow, và rồi sau đó họ sẽ tập trung ở quảng trường Noel Plaza được xây dựng dành riêng cho show Vũ hội Ánh dương, để có thể hiểu toàn diện về Miền đất Mặt trời, hiểu thêm về Bà Nà. Show diễn này cũng sẽ là hình mẫu cho các công viên khác trong hệ thống các tổ hợp Sun World của Sun Group.

 

Liệu có một tác phẩm nghệ thuật nào đó đã trở thành “hình mẫu” để anh xây dựng “miền đất trong mơ” này?

Tôi là fan của rất nhiều phim cổ trang châu Âu, châu Á và rất thích ý tưởng từ những vương quốc không tồn tại. Game of Thrones, Hunger Games và Lord of the Rings là 3 tác phẩm ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất trong dự án lần này. Nhưng khác với cốt truyện chứa đầy những giành giật, tranh đấu từ 3 tác phẩm này, show diễn của tôi nhẹ nhàng và kết thúc có hậu hơn. Nó giống một ngày hội nhiều hơn chứ không có sự đối kháng, không có âm mưu, càng không có giết chóc. Đột nhiên, tôi nghĩ đến sự tích bánh chưng bánh dày với cuộc đua của các hoàng tử. Ở cuộc thi đó, người ta đấu nhau không bằng dao kiếm, quyết tử mà bằng tài năng. Vì vậy, mỗi vùng đất ở Miền đất Ánh dương sẽ có một trò diễn, không chỉ vua mà khán giả cũng sẽ cùng bình chọn đội nào hay nhất để có được một phần thưởng mà tôi chưa muốn bật mí ngay lúc này. Cách này sẽ khiến cho sự tương tác với khán giả tốt hơn, không khí vui tươi hơn là trận đấu một mất một còn như các tác phẩm kia. Nhưng dẫu sao, các tác phẩm kinh điển ấy đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm hứng.

Với nhiều mini show và một show lớn như anh nói, Vũ hội Ánh dương sẽ được thực hiện với quy mô lớn đến thế nào?

Vũ hội Ánh dương không chỉ là show diễn đơn thuần, chúng tôi cũng không chỉ làm show mà là làm hệ thống. Và đó là lý do chúng tôi mời Cara Volchoff – một chuyên gia hệ thống đến từ Canada tham gia vào ekip sáng tạo.

Vì sao lại nói là làm hệ thống? Trước đây, rất nhiều show nghệ thuật có tầm cỡ làm xong thì không ai quản lí show đó nữa mà để phát triển tự phát, chất lượng show sau khi các chuyên gia quốc tế, ekip sáng tạo rời đi theo đó giảm xuống. Nhưng Vũ hội Ánh dương sẽ được duy trì chất lượng đồng đều, đảm bảo sau khi ekip sáng tạo không còn tham gia nữa, show diễn vẫn được duy trì theo đúng cốt truyện ban đầu. Để làm được điều đó, chúng tôi phải chuẩn bị một ekip rất lớn, đa dạng và chuyên nghiệp, với sự tham gia của hơn 230 chuyên gia, nghệ sỹ nước ngoài.

 

Với quy mô đó, những thử thách, khó khăn mà anh gặp phải trong quá trình chuẩn bị và thực hiện show là gì?

Khó khăn là đương nhiên, nhưng tìm ra chìa khóa tháo gỡ mới là cái khó nhất. Khi được lãnh đạo Sun Group đặt hàng, thay vì phải nghĩ ra ý tưởng ngay, tôi đã dành thời gian rất lâu để thăm Bà Nà, ở lại một thời gian để thấm hết không khí, câu chuyện, kiến trúc của nó, cảm nhận mình sẽ thêm, bớt cái gì ở đó. Câu chuyện mới sẽ bắt đầu từ đoạn giữa. Tôi không phải là người xây dựng Bà Nà lại từ đầu, và câu chuyện giữa sẽ không thay đổi quá nhiều cái gốc của nó, càng không phải phá đi nhiều công trình đã xây dựng. Bà Nà được chọn xây dựng theo kiểu châu Âu, ảnh hưởng chính từ văn hoá kiến trúc Pháp. Nếu làm một show diễn cho ra chất châu Âu mà toàn người Việt Nam làm thì khó mà ra được. Vì vậy tôi quyết định chọn ekip quốc tế, những người gốc Âu nhiều hơn, tham gia show diễn này.

Nhưng kiếm sẽ ở đâu ra ekip quốc tế đó, những người được chọn sẽ cần có trình độ như thế nào và lương bổng ra sao, đó chính là những khó khăn mà chúng tôi phải vượt qua. Đặc biệt, đây là một show diễn thường xuyên, tất cả trang phục, đạo cụ sẽ sử dụng nhiều lần và nó không được cũ theo thời gian. Đó là một thử thách lớn cho ekip. Chúng tôi đã phải ra nước ngoài để xem cách thiết kế trang phục như thế nào, may ra sao, chất liệu vải nào phù hợp, không bị hỏng dù nắng hay mưa… Còn nhiều khó khăn nữa mà tôi không thể kể hết ra đây được.

 

Và làm thế nào để anh có thể quy tụ một ekip sáng tạo hùng hậu cùng dàn diễn viên đến từ nhiều quốc gia như vậy? Anh chọn ekip sáng tạo cho show này theo tiêu chí nào?

Điều quan trọng nhất đối với một show bắt đầu từ ekip dàn dựng có ý tưởng. Tôi là người đầu tiên tham gia và đem show múa So you think You can dance về Việt Nam, từ đó tôi quen biết một số biên đạo múa giỏi từ nhiều nơi trên thế giới. Bản thân tôi sống ở nước ngoài, nên mối quan hệ để tìm kiếm ekip cũng dễ hơn. Tôi muốn ekip thứ nhất phải có kiến thức kinh nghiệm, thứ 2 phải là những nghệ sỹ đã có giải thưởng, và thứ 3 họ phải làm việc quốc tế chứ không chỉ trong nước của họ. Với 3 tiêu chí đó, sau nhiều tháng tìm tòi, chúng tôi đã sàng lọc rất nhiều người để chọn được một ekip vừa tài năng, vừa có thể làm việc trong thời gian dài ở Việt Nam. Có thể nói giai đoạn tiền sản xuất này chính là giai đoạn vất vả nhất.

Sau khi hoàn thành ekip dàn dựng, chúng tôi lại phải đối mặt với khó khăn trong tìm kiếm nghệ sĩ biểu diễn. Trước nay Bà Nà chưa bao giờ có đội casting cũng như nguồn cung cấp diễn viên chuyên nghiệp. Rất nhiều người trong số họ chỉ biết nhảy, chứ không phải biết múa. Vì vậy, chúng tôi phải loại một nửa số diễn viên nước ngoài sẵn có của Bà Nà và casting lại từ đầu.

Với quy mô lớn như vậy, kinh phí chắn chắn không hề nhỏ, nhưng Sun Group vẫn muốn “chơi lớn”. Liệu có thể nói đây là một “cuộc chơi mạo hiểm”?

Làm việc với những con người Sun Group, tôi nhận thấy một điểm chung khá thú vị: chúng tôi đều là những người thích thử thách, thích mạo hiểm một chút. Thành công của những người đi đầu thường đến từ những quyết định mạo hiểm. Hơn nữa, sẽ rất khó thành công trên một con đường mà người khác đã đi nhiều rồi. Với tôi, đó là sự mạo hiểm trong sự nghiệp sáng tạo, còn với Sun Group, đó là sự mạo hiểm về tài chính. Vấn đề là chúng tôi phải có tầm nhìn chung và tin tưởng nhau. Tôi nghĩ không có chương trình đắt hay chương trình rẻ mà chỉ có chương trình hợp lý thôi. Mọi khoản chi phí sẽ hợp lý khi nó thành công. Cuối cùng sự đánh giá của khán giả và dư luận mới là giá trị lớn nhất chứ không phải là tiền.

Khán giả không thấy đạo diễn Phạm Hoàng Nam lặp lại mình ở bất cứ show diễn nào. Dường như anh luôn thích đặt ra những thử thách mới trên con đường sự nghiệp của mình?

Nói nôm na chút, tôi là người chóng chán. Trong nghệ thuật, thành công chỉ là một bước, ngay lập tức tôi sẽ quên thành công ấy rất nhanh. Cái gì lặp đi lặp lại sẽ khiến tôi nhàm chán. Hầu hết các chương trình ở Việt Nam tôi đều là người làm đầu tiên, từ ca nhạc, thời trang, cho đến lễ hội. Làm đầu tiên cảm giác rất hào hứng. Khi nó xảy ra rồi, rất nhiều người có thể đi tiếp con đường ấy, còn tôi sẽ tìm cái mới, trước hết là để không chán mình. Tôi ít nghĩ đến hào quang, tôi chỉ muốn thử thách mình thôi.

Xin cảm ơn anh và chúc cho Vũ hội Ánh dương thành công rực rỡ!