Báo Công An Đà Nẵng

Phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris - nhiệm vụ đầy khó khăn

Thứ năm, 18/04/2019 11:08

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ khó nhất là phục hồi phần mái của nhà thờ, bộ phận được làm từ những thân gỗ lớn, chủ yếu là gỗ sồi, bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian.

Những đống đổ nát sập xuống từ phần mái nhà thờ sau vụ cháy.   Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris “thậm chí còn đẹp hơn” trong vòng 5 năm.

“Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà tốt đẹp hơn và tôi muốn việc này sẽ được hoàn tất trong vòng 5 năm, chúng ta có thể làm được điều này”, Tổng thống Macron nhấn mạnh trong một bài phát biểu với cả nước được phát sóng trên truyền hình, nơi ông ca ngợi thảm họa đã cho thấy khả năng của Pháp trong việc huy động và đoàn kết như thế nào. Trong khi đó, tất cả các nhà thờ của Pháp bắt đầu rung chuông vào tối 17-4 để đánh dấu 48 giờ kể từ khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng.

Ngọn lửa bắt đầu vào chiều 15-4 đã phá vỡ cột mốc vĩ đại của Paris, phá hủy một phần di sản hơn 850 năm của nước Pháp, gác chuông sụp đổ khiến nước Pháp và thế giới quay cuồng vì sốc. Vụ cháy ở nhà thờ, may mắn không có ai thiệt mạng, nhưng nỗi đau khi nhìn ngọn lửa nhấn chìm công trình lịch sử này cũng đủ khiến người ta xót xa, tiếc nuối. Nhìn khung cảnh bên trong nhà thờ sau thảm họa, ắt ai cũng nhói lòng. Giờ đây, nhà thờ đã thoát khỏi đám lửa kinh hoàng. Nó đã tránh nguy cơ đổ sụp hoàn toàn. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu nó có khả năng đứng vững như thế nào và khả năng cải tạo ra sao.

Vào sáng 17-4, theo hãng tin AP, các đội xây dựng đã mang theo một cần cẩu khổng lồ và giao ván gỗ đến công trường. Trong khi đó, đội lính cứu hỏa vẫn đang kiểm tra thiệt hại và bảo vệ công trình quanh nhà thờ.

5 năm là đủ?

Tổng thống Macron đã tăng áp lực trùng tu bằng cách đặt ra thời hạn 5 năm để khôi phục lại công trình lịch sử có từ thế kỷ thứ XII này. Ông Macron tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt trong ngày 17-4 để bàn về vụ thảm họa này, trong đó các nhà điều tra tin rằng đây là một tai nạn có thể liên quan đến công việc trùng tu tại nhà thờ. 

Tuy nhiên, thời hạn 5 năm mà ông Macron đưa ra - trùng với thời điểm nước Pháp tổ chức Olympics Paris 2024, được cho là phi thực tế. Giới chuyên gia cho rằng, việc trùng tu lại kiến trúc lịch sử này có thể mất hàng thập kỷ. Ông Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp, cho rằng, sẽ mất đến hàng thập kỷ để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy tối 15-4.

Trong khi đó, ông Pierluigi Pericolo, người phụ trách phục hồi và an ninh tại nhà thờ thánh Donatian ở Nantes, cho rằng, 2 - 5 năm là thời gian chỉ đủ để đảm bảo Nhà thờ Đức Bà vẫn có thể đứng vững và không bị sụp đổ hoàn toàn. Nhà sử học kiến trúc Jonathan Foyle cũng có nhận định như vậy: “Trước khi phân biệt giữa cứu hộ với không thể phục hồi, cần phải thực hiện các bước ngay lập tức để ngăn ngừa thiệt hại thêm”. Theo ông, như với bất kỳ tòa nhà bị cháy nào, an toàn sẽ là mối quan tâm chính. Theo đó, cấu trúc chính (và hai tháp chuông) có thể được “lưu giữ và bảo tồn”, nhưng các phần của nhà thờ vẫn có thể có nguy cơ sụp đổ cục bộ trong quá trình trùng tu.

Hình ảnh cho thấy ít nhất một trong những cửa sổ hoa hồng vẫn “sống sót” sau vụ cháy.   Ảnh: AFP

Tốn bao nhiêu tiền?

Chi phí trùng tu tất nhiên sẽ phụ thuộc vào thiết kế và rất nhiều điều kiện cần thiết khác, và nó có thể được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề để phục dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris không phải là kinh phí bởi số tiền các cá nhân, tổ chức cam kết ủng hộ đã lên đến gần 1 tỷ USD.

Đặc phái viên di sản văn hóa của Tổng thống Macron, ông Stephane Bern nói với đài truyền hình France-Info rằng, đã có 880 triệu EUR (995 triệu USD) tiền ủng hộ chỉ trong chưa đến 2 ngày sau vụ cháy. Những khoản đóng góp đến từ khắp nơi - từ các thương hiệu đình đám như Apple, Total cho đến các ông trùm sở hữu Loreal, Chanel và Dior… cho đến giáo dân Công giáo và những người khác từ các thị trấn nhỏ và thành phố trên khắp nước Pháp và thế giới.

Tỷ phú Pháp Bernard Arnault tuyên bố ông và tập đoàn xa xỉ LVMH sẽ tài trợ 200 triệu EUR (226 triệu USD) cho các nỗ lực tái thiết. Tỷ phú người Pháp Francois-Henri Pinault, CEO của Tập đoàn Kering cũng cam kết đóng góp 100 triệu EUR (113 triệu USD). Tập đoàn Total tuyên bố ủng hộ hơn 100 triệu EUR. Apple cũng tuyên bố sẽ đưa ra một số tiền chưa xác định để giúp khôi phục di sản quý giá này. Hãng hàng không Air France tuyên bố sẽ cung cấp các chuyến bay miễn phí cho chuyên gia tới Pháp với mục đích trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Chính phủ các nước như Đức, Nhật, Italia… cũng đề nghị giúp đỡ Pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí đề xuất gửi đến “các chuyên gia giỏi nhất của Nga đến giúp Paris.

Chính phủ Pháp đã thành lập một văn phòng đặc biệt để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đã bùng nổ những lời chỉ trích cho rằng, chính phủ nên chi tiền cho những nơi khác, cho các nhà thờ hoặc công nhân đang gặp khó khăn nhỏ hơn.

Không thể khôi phục nguyên trạng

Tổng thống Macron tỏ ra rất quyết tâm phục dựng lại đại công trình biểu tượng ở đất nước ông và hứa sẽ mang đến những tài năng tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới để làm như vậy. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Nhà thờ Đức Bà có thể được khôi phục nguyên trạng?

Câu trả lời là không. Các chuyên gia cho biết, các đội trùng tu dường như không thể phục dựng nguyên trạng Nhà thờ Đức Bà Paris như trước khi bị tàn phá. Theo các chuyên gia, nhiệm vụ khó nhất là phục hồi phần mái của nhà thờ, bộ phận được làm từ những thân gỗ lớn, chủ yếu là gỗ sồi, bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian. Theo ước tính, 1.300 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình. Để thay thế được số gỗ này, nước Pháp sẽ cần tới 3.000 cây sồi kích thước lớn. Đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi ở Pháp trong thời đại hiện nay khi phần lớn các khu rừng nguyên sinh của họ đã bị tàn phá. Phó Chủ tịch Quỹ Di sản Pháp Bertrand de Feydeau cũng thừa nhận, phần mái nhà thờ sẽ không thể phục dựng như trước vì vào thời điểm hiện tại rất khó để có cây gỗ có kích thước tương đương với những cây đã được dùng vào thế kỷ XII.

Giới chuyên gia cho rằng, những việc cần làm tới đây là đánh giá đầy đủ thiệt hại, gia cố mọi thứ còn lại, thống kê những thứ bị phá hủy trong đám cháy và tiếp tục tìm vật liệu thích hợp. Trên thực tế, không chỉ cần gỗ quý, đội ngũ khôi phục nhà thờ cần phải tìm ra loại đá phù hợp. Loại đá vôi dùng để xây dựng công trình lịch sử này được coi là “tuyệt phẩm trên thế giới”. Ngoài gỗ và đá, các chuyên gia còn phải nghiên cứu vật liệu phù hợp để khôi phục những cửa sổ hoa hồng bằng kính mờ đặc biệt của Nhà thờ Đức Bà. Phần lớn những cửa sổ này còn nguyên vẹn sau vụ cháy, nhưng một số tấm kính bị nóng chảy do nhiệt độ quá cao.

“Việc khôi phục cửa sổ của nhà thờ là công việc khó khăn vượt mức tưởng tượng và cần đến nỗ lực tuyệt vời”, tiến sĩ Emily Guerry, giảng viên về lịch sử Châu Âu Trung cổ thuộc Đại học Kent của Anh nhận định. Theo bà, may mắn là Paris có những đội thợ giỏi nhất thế giới từng được đào tạo về kỹ thuật chế tác kính từ thế kỷ XII, đủ sức khôi phục kiệt tác bên trong nhà thờ thật sự hoàn hảo.

KHẢ ANH

30 người bị thẩm vấn để điều tra

Một số báu vật đã được các đội cứu hộ và công nhân chuyển đến nơi an toàn kịp thời.   Ảnh: Reuters

Các nhà điều tra Pháp đang nỗ lực xác định nguyên nhân của vụ cháy. Cảnh sát đang nghi ngờ hoạt động thay thế vỏ bọc của gác chuông có thể đã gây ra thảm họa. Trong tuyên bố đưa ra ngày 17-4, cảnh sát cho biết, 30 người bị thẩm vấn trong cuộc điều tra, mà công tố viên Paris cảnh báo sẽ là kéo dài và phức tạp.

Trong số những người bị thẩm vấn là công nhân tại 5 Cty xây dựng liên quan đến công việc cải tạo ngọn tháp và mái nhà thờ - hạng mục đang được sửa chữa khi hỏa hoạn xảy ra và cũng là nơi lửa bùng lên đầu tiên. Theo nguồn tin trên, chuông báo cháy đã vang lên 2 lần vào đêm 15-4. Trong lần đầu tiên, một số người – trong đó có quan chức cứu hỏa làm việc thường trực tại hiện trường –đi kiểm tra bên dưới mái và không thấy có gì bất thường. Trong khi đó, đến lần thứ 2 thì đã quá muộn bởi vì lửa đã bùng lên rất nhanh. Hiện các nhóm điều tra đang tích cực thu thập các đoạn băng bên trong và bên ngoài nhà thờ từ tất cả mọi nguồn nhằm xác định vị trí lửa bùng phát.  Trong khi đó, đã có nhiều người dùng mạng xã hội nghi ngờ nhà thờ đã bị tấn công chứ không phải do tai nạn trong quá trình trùng tu.

T.LINH