Báo Công An Đà Nẵng

Phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch

Thứ tư, 08/06/2022 07:48
Các đại biểu trao đổi thông tin, chia sẻ cơ hội phục hồi ngành hàng không để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19.

Tận dụng cơ hội trong thách thức

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp Hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) cho biết, dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch COVID-19. Đối với hoạt động vận tải hàng không quốc tế, mức độ hồi phục sẽ chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường. Vận chuyển nội địa sẽ có sự phục hồi sớm hơn, cụ thể năm 2022 sẽ đạt 93% so với năm 2019, năm 2023 đạt 103%, năm 2024 đạt 111% và năm 2025 sẽ đạt 118%. Với thị trường quan trọng là Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.

Đối với Việt Nam, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 116,5 triệu lượt hành khách (41,7 khách quốc tế và 74,8 triệu khách nội địa) vào năm 2019, giảm còn 65,3 triệu lượt hành khách (7,2 triệu khách quốc tế và 58,1 triệu khách nội địa) vào năm 2020, giảm mạnh vào năm 2021 khi chỉ đạt 30,3 triệu hành khách (530 nghìn khách quốc tế và 29,7 triệu khách nội địa). Với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt từ 70 – 80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không, trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt.

Các số liệu trên đã thể hiện rất rõ tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến ngành hàng không trong 2 năm qua. Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng và tần suất khai thác còn hạn chế do lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh. Hạn chế này có thể thấy rõ khi các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt trong khi các thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga bị đóng băng từ tháng 2-2022 đến nay. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong đại dịch bị ảnh hưởng nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

Bên lề Routes Asia 2022, các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác thúc đẩy mạng lưới hàng không thế giới phục hồi sau dịch COVID-19.

Ông Đinh Viết Sơn đánh giá, trong khó khăn chung, ngành hàng không Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để sớm trở lại. Hiện cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về sự ổn định môi trường chính trị xã hội, phòng chống dịch bệnh, cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn đối với khách quốc tế, một nơi hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng không nội địa thực hiện vào tháng 1-2022 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không phục hồi nhanh chóng. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11.5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4-2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4-2019.

Với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế đi đến Việt Nam từ 15-3 và mới đây nhất là việc dỡ bỏ yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh từ 15-5, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch. Việt Nam cũng đã khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu và điều này sẽ thu hút được lượng khách từ các nước này. Từ góc độ này, có thể thấy có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi và phát triển của du lịch quốc tế đến Việt Nam và đây chính là cơ hội để các hãng hàng không khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế và là tiền đề để khôi phục toàn bộ cũng như mở rộng, phát triển các hoạt động khai thác quốc tế. “Việc phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngành hàng không phục hồi, đồng nghĩa với việc mở rộng về mặt địa lý và tăng về qui mô khai thác. Qua đó các hãng có điều kiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp với mục đích, nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt là khách du lịch“, ông Sơn chia sẻ.

Gian hàng của các hãng hàng không Việt Nam giới thiệu các sản phẩm du lịch, nét văn hóa đặc trưng đến các đại biểu quốc tế.

Hàng không Đà Nẵng sẽ trở lại thời đỉnh cao vào năm 2024

Đối với thị trường Đà Nẵng, tới thời điểm hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch COVID-19 với trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột. Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay kết nối Đà Nẵng với Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc) và đầu tháng 7-2022 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản). Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các đề xuất khai thác trở lại các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng từ các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.

Trao đổi về định hướng phát triển thị trường du lịch và mạng lưới đường bay quốc tế đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2022-2025, bà Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2019 thành phố đón 31 chuyến bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến bay mỗi tuần. Sau 2 năm “đóng băng” vì đại dịch, thành phố đã sớm “mở cửa bầu trời” trở lại, thực hiện các giải pháp xúc tiến để hướng tới mục tiêu khôi phục lại số lượng và tần suất các chuyến bay quốc tế này trong năm 2024. “Trước mắt Đà Nẵng cần kết nối trực tiếp đến thị trường tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc khởi động những thị trường như Ấn Độ, Indonesia. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự phục hồi du lịch của các thị trường Âu Mỹ. Hiện Đà Nẵng cũng thiếu các đường bay đến các trung tâm bay quốc tế để kết nối tốt hơn với các thị trường xa. Dự kiến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chúng tôi sẽ có phản hồi tích cực từ các hãng hàng không để đón đầu các chuyến bay ở khu vực này”, bà Hoài An cho biết.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, trước thời điểm dịch COVID-19, thành phố đã đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường nguồn khách để tránh lệ thuộc các thị trường truyền thống và dự phòng những rủi ro có thể gây gián đoạn các thị trường này. Thành phố thu hút các thị trường xa thông qua việc kết nối với các cảng hàng không quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại – du lịch với các nước trong khối Đông Nam Á, đồng thời hướng đến thị trường tiềm năng Ấn Độ. “Chúng tôi đã chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ cũng như chờ đợi đường bay trực tiếp đến thị trường này. Thực tế cho thấy sau Việt Nam, các thị trường Đông Nam Á và thị trường Ấn Độ cũng đang có chính sách mở cửa tích cực. Cùng với mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, có thể dự báo đây là thị trường tiềm năng lớn trong trao đổi thương mại – du lịch”, bà An nhận định.

BẢO NAM