Báo Công An Đà Nẵng

Phương Tây không còn tin vào chiến thắng của Kiev?

Thứ hai, 13/06/2022 12:00
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 của HIMARS. Ảnh: AFP

Theo bài viết, trong bối cảnh Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch đặc biệt vào Ukraine từ ngày 24-2, Washington và các đồng minh NATO đã liên tục bơm vũ khí cho Ukraine. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng, việc cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ làm kéo dài xung đột và các chuyến hàng viện trợ vũ khí đó là mục tiêu hợp pháp để quân đội Nga tấn công.

Trước đó, trong bài phát biểu trước nhân dân Nga, Tổng thống Putin đã thông báo về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass. Ông nhấn mạnh, trong kế hoạch của Moscow không bao gồm việc chiếm đóng Ukraine, mục đích chỉ nhằm phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa. Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, lực lượng vũ trang chỉ tấn công các chủ thể cơ sở hạ tầng quân sự và quân đội Ukraine. Tính đến ngày 25-3, họ đã hoàn thành các nhiệm vụ chính của giai đoạn đầu - làm giảm đáng kể tiềm năng chiến đấu của Ukraine.

Theo tờ Washington Post, do quân Nga có hỏa lực vượt trội, phương Tây bây giờ đã không còn tin vào khả năng thành công của các chiến binh Ukraine nữa. Bài viết lưu ý, sự giúp đỡ của phương tây đến Ukraine với số lượng không đủ.

Ukraine phụ thuộc vào vũ khí phương Tây

Theo AFP, từng là một phần của Liên Xô hùng mạnh, quân đội Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đã được đào tạo, sản xuất vũ khí dựa theo tiêu chuẩn của Nga, từ các vũ khí cầm tay đến nhiều loại vũ khí hạng nặng như máy bay, xe tăng, lựu pháo. Tuy nhiên, các nguồn tin Mỹ cho biết hơn 3 tháng sau khi xung đột nổ ra, quân đội Ukraine đã sử dụng hết kho vũ khí này và nhiều thiết bị đã bị phá hủy trong trận chiến.

Trước đó, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự, phương Tây rất thận trọng với việc cung cấp vũ khí cho Kiev do lo ngại điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột giữa NATO và sau đó là Nga. Các quốc gia này cũng sợ rằng bí mật công nghệ vũ khí tiên tiến sẽ rơi vào tay Nga. Thay vào đó, các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine những thiết bị theo tiêu chuẩn của Nga để hỗ trợ quân đội Kiev đối phó với Nga. Mỹ cũng dẫn đầu nỗ lực tìm vũ khí ở các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ để cung cấp đạn dược, các thiết bị phù hợp với nhu cầu của Ukraine.

Nhưng giờ đây, khi kho vũ khí cạn kiệt, các lực lượng của Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng và học cách sử dụng các loại vũ khí do Mỹ và các đồng minh NATO viện trợ. Điều đó có nghĩa là các binh sĩ Ukraine phải chuyển sang sử dụng các loại vũ khí được chế tạo theo các thông số kỹ thuật của phương Tây mà họ chưa từng sử dụng.

Gạt bỏ những lo lắng trước đây, Mỹ và các đồng minh NATO đang gửi cho Ukraine nhiều loại vũ khí hạng nặng hơn - chẳng hạn pháo phản lực và hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS. Mỹ đang chuyển giao vũ khí cho Ukraine theo từng giai đoạn. Hôm 1-6, Washington đã tuyên bố cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD mới cho Ukraine, bao gồm 4 hệ thống pháo HIMARS, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin và 4 trực thăng Mi-17 tiêu chuẩn của Liên Xô. Gói viện trợ cũng bao gồm 15.000 quả lựu pháo, 15 xe bọc thép hạng nhẹ và các loại đạn dược khác. "Chúng tôi cố gắng duy trì nguồn cung vũ khí ổn định", một quan chức khác của Mỹ cho biết.

Hôm 11-6, cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak cho biết, Kiev muốn các nước phương Tây chuyển thêm khoảng 300 hệ thống phóng rocket đa nòng. Phát biểu với tờ Telegraph, ông Mikhail Podolyak cho biết, hiện tại, khoảng 90% tổn thất trong chiến đấu của phía Ukraine là do pháo binh Nga gây ra. Lực lượng của đối phương vượt trội hơn hẳn so với Ukraine.

Đầu tháng 6 này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo London sẽ cung cấp pháo phản lực M270 cho Ukraine để tăng cường đáng kể năng lực của quân đội nước này. Bộ Ngoại giao Anh cho biết thêm, binh sĩ Ukraine sẽ được đào tạo cách vận hành các tổ hợp M270 tại Anh để có thể phát huy tối đa hiệu quả loại vũ khí này.

Ukraine điều Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ ra chiến trường

Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký luật thông qua việc điều động các quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Ukraine tới các khu vực chiến đấu, trang web của Quốc hội Ukraine cho hay.

Tài liệu này đã được Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk ký thông qua ngày 6-5. Sau khi được Tổng thống Zelensky ký thông qua, luật cho phép lực lượng này triển khai trên khắp đất nước, không chỉ tại những khu vực giao tranh hiện tại mà còn cả tại những khu vực Ukraine coi là lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết, nước này phải tăng số lượng quân nhân trực tiếp tham gia chiến đấu lên 1 triệu người.

AN BÌNH