Báo Công An Đà Nẵng

Phương tiện cá nhân nối đuôi nhau trở lại các thành phố lớn

Thứ năm, 15/02/2024 07:17
Phương tiện cá nhân nối đuôi nhau hàng dài đi qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Người dân đi lại dễ dàng nhờ chủ động đặt vé

Vài năm trở lại đây, cảnh người dân chen chúc nhau mua vé tại các bến xe, nhà ga ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã không còn, thay vào đó, phương thức đặt vé trực tuyến đã trở nên phổ biến. Chính vì vậy, việc đi lại bằng loại hình xe khách đường dài, tàu hỏa cũng trở nên dễ dàng và không còn là nỗi lo của những người làm ăn xa nhà về tết hoặc trở lại đi làm.

Có mặt tại bến xe Vinh (Nghệ An) để vào Đà Nẵng vào tối 13-2 (mồng 4 Tết), gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh thong thả lên xe theo lịch hẹn trong vé đã đặt từ trước. Giá vé trong những ngày cao điểm cũng tăng tối đa 60% tuỳ theo giai đoạn, nhưng so với đi tàu và máy bay thì cũng tiết kiệm được khoản chi phí kha khá, lịch trình, thời gian cũng rất thuận lợi. “Khoảng 20 giờ tối lên xe ở Vinh thì 5 giờ sáng đã có mặt tại Đà Nẵng. Nghỉ ngơi rồi đi chơi tại thành phố một ngày nữa thì con đi học, cha mẹ đi làm. Mấy năm gần đây các nhà xe cạnh tranh bằng dịch vụ, việc đi lại rất dễ dàng. Chỉ cần mình chủ động một tí là ăn tết chẳng lo gì chuyện xe cộ”, anh Mạnh cho biết. Theo đại diện nhà xe Hiếu Hoa có phương tiện chạy tuyến các tỉnh Bắc miền Trung vào Đà Nẵng, người dân đặt vé có thể ở nhà gọi điện hoặc truy cập vào trang web để chọn ngày, xem tình trạng vé, giá cả, sơ đồ chỗ nằm và chuyển khoản để nhận vé điện tử. Đến giờ khởi hành có mặt tại bến, đúng giờ là xe chạy, không còn cảnh nhồi nhét hay “chêm” khách dọc đường. “Bây giờ phương tiện nhiều, các nhà xe cạnh tranh bằng tiện ích, chất lượng phục vụ. Chính vì vậy khách hàng được hưởng lợi và có quyền lựa chọn chứ không phải khổ sở, chạy đôn chạy đáo để săn vé hoặc chịu cảnh nhồi nhét như trước đây”, đại diện nhà xe này chia sẻ.

Bến xe Đà Nẵng sáng mồng 5 Tết ghi nhận lượng lớn phương tiện từ các tỉnh phía Bắc đưa người dân trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó, đây cũng là cao điểm mà các nhà xe huy động đưa người lên các tỉnh Tây Nguyên, vào Bình Định, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Phương tiện liên tục ra vào bến nhưng không có cảnh chen chúc, ồn ào, phòng vé gần như rất thưa người, nhiều quầy đóng cửa vì đã bán hết vé từ trước tết. Một ít người thay đổi kế hoạch đi lại, cần mua vé đi nhanh cũng không quá khó khăn vì các doanh nghiệp hoạt động trong bến luôn có phương tiện tăng cường. Ông Phạm Lợi – Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, cao điểm sau tết bắt đầu từ ngày 11-2 đến 19-2 (mồng 2 đến mồng 10), có thể kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Các đơn vị vận tải sẵn sàng lượng lớn phương tiện, khi cần có thể huy động xe tăng cường để giải tỏa khách đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. “Bến xe đảm bảo các điều kiện tốt nhất về ANTT, vệ sinh môi trường và đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Năm nay bà con không trở lại đi làm tập trung mà một số bắt đầu từ ngày mồng 6, số còn lại bắt đầu từ mồng 10 âm lịch nên bến xe được giảm tải, đi lại rất thuận lợi”, ông Lợi cho hay.

Phương tiện cá nhân đông đúc trên quốc lộ, cao tốc

Theo ghi nhận, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm mà người dân về quê và trở lại nơi làm việc bằng phương tiện cá nhân tăng đột biến. Với việc nhiều cung đường cao tốc hoàn thành và đi vào hoạt động, thời gian đi lại được rút ngắn nên người dân có nhiều lựa chọn hình thức di chuyển.

Bắt đầu từ ngày mồng 4, dòng phương tiện tại các tỉnh Bắc miền Trung ra Hà Nội, vào Đà Nẵng nối đuôi nhau với mật độ cao trên các tuyến quốc lộ. Ngoài quốc lộ, người dân ra Hà Nội có thể lên cao tốc bắt đầu từ Diễn Châu (Nghệ An), vào Đà Nẵng có thể đi bằng đường Hồ Chí Minh, đến Quảng Trị có thể tách xuống đường La Sơn – Túy Loan để rút ngắn hành trình. Nhiều gia đình có xe ô-tô cá nhân chọn hình thức vừa đi vừa tham quan, du lịch tại các điểm dọc chuyến đi. Anh Huỳnh Xuân Vinh (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, trước tết gia đình bắt đầu từ Đà Nẵng vào lúc 8 giờ sáng, đến Quảng Bình ăn cơm trưa, hai vợ chồng thay nhau lái xe, vừa đi vừa nghỉ thì 20 giờ tối tới nhà. Nay đi vào xuất phát sớm hơn nên có thời gian thăm thú 2 điểm du lịch ở Quảng Bình và Huế. “Bạn bè tôi cũng có nhiều gia đình sử dụng phương tiện cá nhân về quê ăn tết. Khỏe thì đi, mệt thì nghỉ, vừa chủ động thời gian lại vừa có cơ hội cho con cái tìm hiểu các địa phương dọc hành trình. Nay điều kiện cũng đỡ hơn nên xu hướng mua xe ô-tô cũng nhiều”, anh Vinh kể.

Với lượng xe ô-tô cá nhân tăng đột biến, không chỉ cửa ngõ vào các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương mà nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 1A cũng đã xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số, trong nhiều giờ liền. Trong ngày mồng 5 Tết, một số đoạn đường như Cầu Gianh (Quảng Bình), đoạn cuối huyện Phú Lộc (Huế) đến Bắc đèo Hài Vân có thời điểm ùn tắc khiến xe cộ phải di chuyển rất chậm.

ĐÔNG A