Phút trải lòng của kẻ 13 năm trốn truy nã
(Cadn.com.vn) – “Đáng lẽ tôi đã ra đầu thú từ năm ngoái, nhưng nghĩ phải đi làm thợ sơn vôi trước để có cái nghề chắc chắn thì sau khi ra tù không phải thất nghiệp”- Tiêu Phi Thành (1968, trú tổ 54, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) đã mở lời trước cán bộ CA như vậy trong ngày ra đầu thú hôm 20-11.
Vào năm 1999, trên địa bàn Đà Nẵng có một đường dây chuyên trộm cắp xe đạp, xe máy do Tiêu Phi Dũng (anh ruột Thành) cầm đầu. Bọn chúng đã gây ra khoảng 15 vụ trộm cắp với thủ đoạn rất tinh vi. Mỗi khi hành sự, chúng luôn có kế hoạch sẵn, từ phân công người cảnh giới, người trộm cắp, người tháo biển số xe, người tìm mối tiêu thụ… Tuy không trực tiếp tham gia vào nhóm trộm của anh nhưng Tiêu Phi Thành với nghề sửa xe lại là “mắt xích” quan trọng để tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Thành kể: Chúng mang xe đến nhờ tôi bán giúp, vì tôi sửa xe, có nhiều mối khách nên giúp chúng bán xe. Mỗi lần bán xe xong tôi được chúng dẫn đi nhậu một bữa, chỉ vậy chứ không được chia tiền bạc gì. Sau khi gây ra 15 vụ trộm cắp thì đường dây của Tiêu Phi Dũng và đồng bọn bị CA Đà Nẵng triệt phá. Dũng bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 6 năm tù, đồng bọn gồm 8 đối tượng khác chịu tổng cộng trên 10 năm tù. Còn Thành, sau khi anh trai bị bắt, hiểu được rằng “bán giúp xe để được mời nhậu” là phạm tội nên nhanh chân “cao chạy xa bay” lên Buôn Ma Thuột ở nhờ nhà chị ruột. Thành lý giải hành động của mình: Lúc đó tôi bị tai nạn dập lá lách, mới mổ xong, sức khỏe rất yếu, rất sợ vào tù nên mới trốn truy nã. Nhưng Thành cũng không thể ngờ rằng cuộc đời trốn chui trốn lủi của mình lại nhiều oan trái đến vậy.
Giờ đây Thành có thể sống một cuộc đời thanh thản. |
Sau khi lên Đắc Lắc, Thành rất chăm chỉ làm việc nhằm lấy thiện cảm với mọi người xung quanh cũng là để tạo vỏ bọc an toàn cho mình. Thành đi hái cà-phê thuê, thu hoạch bắp, làm thợ hồ, nói chung ai có việc gì kêu cũng làm. Trong quãng thời gian ấy Thành quen cô gái chất phát Nguyễn Thị Huệ (quê Quảng Bình) theo gia đình lên Đắc Lắc xây dựng kinh tế mới. Huệ và gia đình cô quý mến vì Thành rất chăm chỉ làm việc, lại không rượu chè, chơi bời, chưa bao giờ lớn tiếng gây gổ với ai. Quen, quý rồi yêu nhau và tháng 4-2004, Thành cùng chị Huệ tổ chức lễ cưới. Gia đình Thành có 13 anh chị em nhưng chỉ có mẹ Thành âm thầm từ Đà Nẵng lên dự, một phần cũng sợ “bứt dây động rừng”. Đám cưới khép lại và bà con, hàng xóm bên Huệ cũng không ai biết Thành là đối tượng truy nã. Cũng sợ bị lộ tẩy tung tích nên sau đám cưới Thành không làm đăng ký kết hôn.
Cuộc sống vợ chồng Thành hòa thuận dù kinh tế còn khó khăn. Vợ chồng Thành được chị gái chị Huệ cho một miếng đất nhỏ kế bên nhà để dựng tạm nhà làm chỗ sinh sống. Vợ Thành hằng sáng dậy sớm ra chợ mua rau về bỏ lại cho các quán bún để kiếm lời mưu sinh. Có một tổ ấm nhưng Thành luôn sống trong nơm nớp lo sợ, ăn cũng lo, ngủ cũng không yên. Mỗi người khách lạ tới chơi, Thành đều run sợ. Thành nghĩ bụng chờ sau khi vợ sinh con sẽ nói cho chị Huệ biết tội lỗi của mình. Nhưng ý định ấy đã không thành, bởi sau khi mang bầu, chị Huệ gặp ca sinh khó nên 2 mẹ con vượt cạn không thành đúng 28 Tết năm đó. Sau khi vợ mất, Thành ở lại Đắc Lắc 3 năm thờ vợ rồi mới quyết định về quê.
Nói về anh trai Tiêu Phi Dũng của Thành, sau khi ra tù làm lại cuộc đời, chính Dũng đã nhiều lần khuyên nhủ em ra đầu thú. Khi ba mất, về lo đám tang, anh em lại xúm vào khuyên Thành ra đầu thú để nhận khoan hồng, sau khi đền tội có thể sống cuộc đời thanh thản. Thành đã suy nghĩ và đấu tranh nội tâm rất nhiều. Thành kể, hồi nhỏ, gia đình đông con, đói khổ mới học lớp 1 thì đã phải nghỉ. Lớn lên chỉ vì được nhậu với suy nghĩ nông cạn mà Thành trót nhúng tay vào tội lỗi. Ngay cả 13 năm qua sống chui lủi nhiều cay đắng, Thành cũng chưa có một phút thảnh thơi. Thành trải lòng: Tôi đã đi 2/3 cuộc đời chỉ có nỗi buồn, cay đắng, giờ tôi muốn được sống thảnh thơi phần đời còn lại. Ăn miếng cơm biết ngon, nhắm mắt ngủ được yên. Và, sau nhiều giằng co, ngày 20-11-2013 Thành đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo.
Thượng tá Huỳnh Văn Bình - Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP Đà Nẵng cho biết, chính hành động đầu thú, thành khẩn của Thành sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Tất cả các đối tượng truy nã dù phạm tội nặng hay nhẹ, nhưng nếu nhận thức được hành vi, biết hối cải, ra đầu thú, khai báo thành khẩn đều được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Ngay như Thành, sau khi đầu thú, được gia đình bảo lãnh nên được cho tại ngoại ngay trong ngày 20-11, đó cũng chính là sự khoan hồng.
Hải Quỳnh