Báo Công An Đà Nẵng

Pleiku, ấn tượng thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe

Thứ năm, 05/12/2019 14:15

Trong xu thế phát triển, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã và đang hướng tới một đô thị xanh bền vững, hiện đại. Và trong tương lai không xa, Pleiku được xác định sẽ trở thành một thành phố vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, trở thành một cao nguyên xanh vì sức khỏe.

Mô hình phát triển rau sạch cung cấp những sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP Pleiku.

ĐỊNH HÌNH VỀ MỘT THÀNH PHỐ XANH, SẠCH

Nằm ở độ cao trung bình từ 750-800m so với mực nước biển, Pleiku được thiên nhiên ban phú với khí hậu mát mẻ trong lành cùng nhiều cảnh quan độc đáo. Đặc biệt, với nhiều mảng cây xanh đã được địa phương chú trọng phát triển với những vành đai nông, lâm nghiệp xung quanh thành phố. Đây cũng là điều ấn tượng của du khách khi đến với phố núi Pleiku. Không chỉ những tuyến phố với nhiều loại cây xanh mà nhiều khu vực rừng thông tạo nên điểm nhấn cho TP Pleiku, như: lâm viên Biển Hồ, dốc Hàm Rồng, khu vực xã Diên Phú, xã Gào…

Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP Pleiku cho biết: “Thành phố tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH. Công tác chỉnh trang đô thị luôn được quan tâm, thường xuyên chú trọng trồng mới và cải tạo cây xanh phù hợp hướng đến thành phố xanh – sạch – đẹp”. Trong nhiều năm qua, nhằm xây dựng một đô thị xanh, chính quyền địa phương đã có nhiều đầu tư về hệ thống cây xanh, đặc biệt cây xanh đường phố. Theo thống kê của UBND TP Pleiku, tổng cây xanh phân tán, cây xanh đường phố trên địa bàn hiện gần 27.000 cây, trong đó cây xanh đường phố là gần 15.000 cây. Tiêu chuẩn về đất cây xanh toàn đô thị và đất cây xanh công cộng khu vực nội thành của TP Pleiku đều vượt trên tiêu chuẩn của đô thị loại 1, trong đó diện tích đất cây xanh bình quân trên địa bàn thành phố là 12,59m2/ người, cây xanh khu vực nội thành là 7,83m2/ người.

Cùng với độ cao mát mẻ, thảm thực vật phong phú được giữ gìn, phát triển, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách đến với phố núi Pleiku. Anh Lê Đức Thiên, du khách Vũng Tàu chia sẻ: Cảm nhận của mình đến Pleiku là không khí rất trong lành mát mẻ. Đặc biệt, người dân Pleiku rất thân thiện, nói chuyện nhỏ nhẹ và mình nghĩ đó là một phần khí hậu tác động đến tính cách con người nơi đây.

Một dấu ấn khác đó là việc chính quyền thành phố Pleiku xây dựng đề án mỗi xã, phường mỗi sản phẩm theo hướng bền vững. Không chỉ phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm mà còn tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh, gắn với thị trường. Đặc biệt, chú ý đến những sản phẩm chăm sóc khỏe cho người dân về nông sản, thực phẩm sạch, dược liệu... Nhiều hợp tác xã, đơn vị doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi mới trong việc xây dựng nên các thương hiệu sản phẩm hữu cơ cho mình. Anh Phan Nguyên Cát, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp nghệ thuật và dược liệu Gia Lai cùng với mô hình nông nghiệp sạch đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Anh Cát cho biết: từ việc định hình những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chúng tôi đã phát triển và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm về rau, quả đảm bảo sạch và an toàn. Từ đó, chúng tôi chung tay với chính quyền TP Pleiku nhằm xây dựng một thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe.

“CAO NGUYÊN XANH VÌ SỨC KHỎE”

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, trong đó xác định TP Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và trung tâm tổng hợp của tỉnh Gia Lai. Đô thị Pleiku còn có chức năng kết nối giao lưu kinh tế thương mại với phía Đông Campuchia, Lào và Thái Lan, Myanmar thông qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh... cũng như có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Bắc Tây Nguyên về an ninh quốc phòng, là trung tâm dịch vụ du lịch và lễ hội. Từ đó, nhiều dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật được Trung ương và tỉnh đầu tư làm thay đổi bộ mặt đô thị, như: Quảng trường Đại đoàn kết, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Quốc lộ 14 qua TP Pleiku, nâng cấp  mở rộng cảng hàng không Pleiku… Cùng với đó là các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm luôn chú trọng đầu tư xây dựng. Từ đó, làm cho diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại.

Đặc biệt, thành phố Pleiku đã triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe. Đó là mục tiêu được xem như bước đột phá cho đô thị này với hướng phát triển hiện đại, bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Quế cho biết: để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương đã có những giải pháp cụ thể trong tương lai gần. “Chúng tôi chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, trong đó bảo vệ được nguồn nước và phát triển được thảm thực vật, bảo vệ rừng cùng với các loại cây thuộc thổ nhưỡng của TP Pleiku. Đồng thời, đẩy mạnh ngành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và sử dụng công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm giữ gìn môi trường cũng như tạo nên một TP xanh, sạch. Cùng với đó, địa phương tiến hành thu hút kêu gọi đầu tư các dự án chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hướng tới năm 2030 và tầm nhìn 2050 trở thành thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”, ông Quế cho biết thêm.

Với tuổi đời 90 năm (1929-2019) kể từ khi hình thành, Pleiku đang dần thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên. Một thành phố lấy chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đất bazan Tây Nguyên hùng vĩ đang dần định hình trong tương lai không xa.

MINH TÂN