Báo Công An Đà Nẵng

Q. Thanh Khê chọn phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ sáu, 21/07/2017 10:54

Đó là chuyên đề chính của cuộc Hội thảo do Quận ủy Thanh Khê, TP Đà Nẵng tổ chức vào sáng 20-7 và đã thu hút được sự tham gia ý kiến của nhiều người.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Bà Trần Thị Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê cho rằng, những năm qua, ngành dịch vụ quận đang chuyển dịch ngày càng tích cực, đúng hướng theo chiều tăng từ 54,7% năm 2010 lên 60,54% năm 2015. Năm 2016, ngành dịch vụ chiếm 61,8% trong tỷ trọng ngành kinh tế của quận. Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị ngành dịch vụ của quận ngày càng tăng trưởng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá trị ngành dịch vụ của thành phố (tỷ trọng bình quân cả giai đoạn đạt xấp xỉ 20%).

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đưa ra nhiều đánh giá, phân tích đã cho thấy bức tranh thực sự của ngành dịch vụ Q.Thanh Khê trong tương quan so sánh với các quận, huyện khác. Đó là, hiện nay, Hải Châu là địa bàn có số nhà hàng, khách sạn, khu trung tâm thương mại cũng như các chợ lớn nhất với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đến cuối năm 2016 đạt hơn 38.000 tỷ đồng; theo sau là Thanh Khê với khoảng 18.000 tỷ đồng. Đối với Q.Sơn Trà, dịch vụ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn quận đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Có thể thấy, nếu như Q.Sơn Trà chủ yếu phát triển lĩnh vực nhà hàng, khách sạn với lợi thế du lịch biển thì thương mại là ngành dịch vụ mũi nhọn của Q.Hải Châu và Thanh Khê. Do đó, kể từ khi bắt đầu thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ Q.Thanh Khê giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, Q.Thanh Khê bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành và đưa vào hoạt động một số tuyến phố chuyên doanh như: Tuyến phố nhà hàng, cơm niêu phục vụ du lịch trên đường Nguyễn Tri Phương; tuyến phố chuyên doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm đường Nguyễn Đình Tựu; nâng cấp một số chợ loại 3; xây dựng mới chợ hải sản... đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm mới cho ngành dịch vụ trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục giữ vững vị trí là quận có đóng góp lớn thứ hai cho TP, Q.Thanh Khê cần tiếp tục khai thác các tiềm năng của địa phương, nhất là lợi thế từ đường bờ biển Nguyễn Tất Thành để thúc đẩy sự phát triển ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế địa phương nói chung, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH toàn TP. “Xét riêng cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ thì thương mại là ngành dịch vụ lớn nhất, chiếm hơn 80% doanh thu của toàn ngành nhưng đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2010-2016. Trong khi đó, các phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn và vận tải kho bãi tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng có xu hướng tăng lên qua các năm. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ vào GRDP toàn quận đạt từ 67-70% và đến năm 2030 đạt từ 70-80%. Phấn đấu nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ quận đạt 25-30% tổng giá trị dịch vụ toàn thành phố” - Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định.

Hơn 20 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung đề xuất các giải pháp để phát triển ngành dịch vụ Q.Thanh Khê trở thành nền kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, ban hành cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; thúc đẩy liên kết phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung phát triển các phân ngành dịch vụ chính: Dịch vụ thương mại, dịch vụ lưu trú và ăn uống kết hợp với du lịch, dịch vụ vận tải kho bãi, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn.

PHƯƠNG KIẾM