Báo Công An Đà Nẵng

Qua hoạn nạn, hiểu lòng nhau

Thứ tư, 16/10/2013 23:49

(Cadn.com.vn) - Nhiều người ở Đà Nẵng hình dung cơn bão số 11 - Nari 2013 là "phiên bản" của cơn bão Xangsane - 2006 không phải không có lý bởi cấp độ gió của hai cơn bão này không hề thua kém nhau, thêm nữa, thời gian quần thảo của Nari kéo dài trong đêm tối mịt mùng từ 1 giờ đến tận 8 giờ sáng 15-10.

Ai đã từng chứng kiến bão Xangsane và giờ đây là bão Nari, sẽ hiểu thế nào là đêm trắng kinh hoàng khi nghe tiếng gió rít từng cơn, tiếng va đập, loảng xoảng của cây đổ, tôn bay, nhà sập trước trận cuồng phong. Cả TP Đà Nẵng cúp điện. Thông tin tê liệt, diễn biến cơn bão qua hệ thống phát thanh của BCH PCLB TP Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 15-10 cũng nghe tiếng được tiếng mất rồi tắt lịm đi làm cho ai nấy cũng bàng hoàng, lo lắng tột độ...

Đến sáng 15-10, khi cơn bão Nari vẫn còn lởn vởn, thông tin từ cuộc họp của BCH PCBL TP Đà Nẵng làm cho ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm: Đà Nẵng không có người thiệt mạng do bão, chỉ có 11 người bị thương.

Theo thống kê sơ bộ, bão Nari tàn khốc đã làm sập hàng trăm ngôi nhà, quật ngã hàng nghìn gốc cây và bao vật dụng khác, nhưng Đà Nẵng đã tìm mọi cách để bảo toàn tuyệt đối tính mạng của người dân. Đúng như lời của đồng chí Chủ tịch UBNDTP Văn Hữu Chiến tại cuộc họp: “Đà Nẵng đã thành công trong việc khống chế bão số 11”!

Hơn lúc nào hết, đã nhận thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc chống chọi với cơn bão này. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có mặt tại các tỉnh miền Trung trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó.

Tại TP Đà Nẵng, các cấp chính quyền hối hả lên phương án và bắt tay ngay vào việc di dời 11.000 hộ dân với 55.000 nhân khẩu tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn,  tổ chức lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa...

Hàng nghìn quân nhân QK5, BĐBP, Công an TP Đà Nẵng sẵn sàng đợi lệnh ứng cứu đồng bào. Suốt đêm 14 rạng ngày 15-10, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát túc trực tại Văn phòng chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống bão. Đồng chí Bí thư Thành ủy “Yêu cầu lãnh đạo các quận huyện phải túc trực 24/24 giờ để cùng nhân dân đối phó với bão và phải chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết để cho dân ăn trong những ngày diễn ra lụt bão, không được để bất cứ người dân nào bị đói, rét...”.

Chống bão cũng như xung trận khi mệnh lệnh vị lãnh đạo cao nhất của thành phố được phát ra ngay vùng tâm bão!

Lúc cơn bão hoành hành, người dân thật cảm động và ấm lòng khi thấy từng tốp quân nhân QK5, BĐBP, lực lượng CA, quân sự TP Đà Nẵng có mặt tại những nơi xung yếu, sẵn sàng giúp dân. Đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến quận, huyện, xã phường mang áo mưa, đội nón cối có mặt khắp các địa bàn dân cư để nắm tình hình, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão.

Và ngay sau khi cơn bão đi qua, cùng với các lực lượng vũ trang, Đoàn thanh niên, các ngành Điện lực, Y tế, Thương mại, Công ty môi trường đô thị, cây xanh, cấp thoát nước... đã quyết liệt khắc phục hậu quả. Đường sá dẫu còn bộn bề cây ngã đổ vẫn có thể lưu thông, điện, nước được khôi phục nhanh chóng,  ANTT được bảo đảm.

Cũng trong chiều 15-10, Ban Thường vụ Thành ủy có Công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan ban ngành TP khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân sau bão, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh và tăng cường kiểm soát không để giá hàng hóa tăng bất hợp lý sau bão.

“Qua hoạn nạn, hiểu lòng nhau” – chúng tôi muốn dùng cụm từ thật dân dã, mộc mạc như thế này để nói đến mối quan hệ giữa Đảng với Dân trong cơn bão 11. Sau bão, qua các kênh thông tin, người dân TP và bạn đọc khắp nơi gởi về Tòa soạn Báo Công an TP Đà Nẵng những lời lẽ chí tình ghi nhận nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ban ngành TP trong việc sát cánh cùng người dân chống bão.

Thức trắng đêm cùng dân khống chế hậu quả cơn bão, bảo vệ vẹn toàn tính mạng của dân, không ai nghĩ để được tuyên dương công trạng mà chỉ giản dị như lẽ đương nhiên của bổn phận. Cũng như hình ảnh các đồng chí lãnh đạo thành phố với chiếc mũ cối và bộ đồ mưa sũng nước, băng băng trong mưa bão đến với dân, chẳng cần phải tô vẽ gì thêm cũng sẽ đọng lại trong lòng dân niềm tin về người lãnh đạo của “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” đó thôi!

 Đà Nẵng giờ đây đang ngổn ngang bao việc phải làm để khắc phục hậu quả cơn bão lớn. Khi ý Đảng - lòng Dân quyện làm một, khi mọi công việc của lãnh đạo Đảng, chính quyền luôn hướng về phía nhân dân và được thể hiện bằng sự điều hành sát sao, có hiệu quả, chúng ta hy vọng nhịp sống bình thường của TP Đà Nẵng sẽ sớm được khôi phục trong một ngày thật gần!

Nguyễn Đức Nam