Báo Công An Đà Nẵng

Quá khứ không hoàn toàn là dĩ vãng...

Thứ năm, 25/11/2021 18:44

Di sản là những gì thuộc về quá khứ, còn quá khứ là nơi bạn đã học được những bài học mà tương lai sẽ là nơi áp dụng bài học đó. Vân vân và vân vân... Mỗi người có một cách lý giải khác nhau, song tựu trung một điều chắc chắn như một nhà hiền triết đã nói, chẳng ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Lan man dòng suy nghĩ, tôi chợt nhớ đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ một bút ký mà luận ra điều: Có phải con người là con vật chóng quên nên thường hay hồi ức về quá khứ?

Mộ Hoàng Diệu ở Điện Quang (Vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Là nhà văn không chỉ sinh ra từ đất Huế đô mà còn được mệnh danh nhà văn của mảnh đất mưa dầm dã ấy cũng chính tác giả của bút ký “Đứa con Phù Sa” nói về vùng đất Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam (tháng 12-1984, tức cách đây gần 40 năm). Tôi cam đoan một điều chưa ai viết hay về vùng đất con người nơi đây, trước khi có bút ký “Đứa con Phù sa” ra đời…

Chuyện là vào một buổi chiều tác giả ra sông Thu Bồn tắm cùng người bạn tên Đỗ, sau những khoảnh khắc sôi động qua đi, khi thuyền máy từ Đà Nẵng, Hội An ngược lên, lũ chim nhạn giật mình dời chỗ… còn lại chú chim bói cá im lặng giữa dòng sông. Nhà văn nhận ra chú bói cá này rất lạ bởi cái đầu to mất cân đối của nó. Và ông ví nó như  như sinh vật già cả nhất của thế giới vây quanh nó và cả ông. Nó giống như một lão trượng đã sống ngoài 100 tuổi, chứa đựng trong cái đầu nặng trĩu tất cả bộ nhớ của dòng sông, tất cả dòng lịch sử đầy biến động của sông Thu Bồn mà nó đã chứng kiến.

Đặc biệt với vùng Gò Nổi - đứa con của phù sa không chỉ là đất mà là những bông hoa của đất mà thời gian không thể xóa nhoà. Đó là bộ ba rất hy hữu sinh ra từ nơi đây gồm: Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ…

Đi thăm mộ Hoàng Diệu giữa cánh đồng trông không bề thế đã gợi cho nhà văn suy tưởng liên hệ đến lăng mộ những viên quan lớn vô tích sự quanh triều đình Huế. Song tuy giản đơn nhưng tác giả nhận ra nơi đây mới chính là giấc ngủ của người anh hùng. (sinh ra ở Gò Nổi để chết dưới chân thành Hà Nội, xương thịt trở về với đất mà chính khí vang động sử sách.  “Trời cao bể rộng đất dày - núi Nùng sông Nhị chốn này làm chi”.

Đó là Trần Cao Vân, nổi tiếng với chủ thuyết “Trung Thiên Dịch”, 50 tuổi hy sinh ở bãi chém An Hòa sau thất bại cuộc khởi nghĩa Duy Tân, nhưng những lời hiệu triệu hành động như tuyên ngôn của con người này vẫn còn đó “đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân”. 

Và con người thứ ba là Phạm Phú Thứ. Nếu Hoàng Diệu, Trần Cao Vân là những tên tuổi gắn liền với khí phách trung dũng, thì Phạm Phú Thứ lại năng động trí tuệ lớn vươn tới cái mới. Can vua Tự Đức về thói mê mải hư văn, ông bị cách chức tước, phải đi làm lính trạm chạy ngựa nhưng không sỹ diện bỏ về vườn mà tiếp tục làm được những việc khác thiết thực cho nước. Sau chuyến công cán sang Pháp cùng với Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ vào 1863 Phạm Phú Thứ đã ghi chép những tác phẩm có giá trị như những bộ sách khai sáng. Lạ thay “Đứa con của phù sa” theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, sách Thủy Kinh Chú của Lịch đạo Nguyên (Trung Quốc thời Bắc Ngụy) khi viết về phong vật phương Nam có nhắc đến bãi đất nằm giữa hai con sông Hoài, hai nhánh con sông Thu Bồn đó chính là Gò Nổi. 

Ngoài ba bông hoa của mảnh đất phù sa ấy, nhắc đến Gò Nổi theo sử liệu địa  cũng cần kể thêm, một Phan Thanh nhà tân học đầu tiên của đất Quảng Nam quê xã Điện Quang. Một xã có hai người kế tiếp nhau làm Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu và kế tiếp là Lê Đình Đỉnh. Hai anh em ruột Phan Thanh, Phan Bôi là chiến sỹ cộng sản lừng danh. Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có 3 đại biểu người Điện Quang gồm Lê Thị Xuyến, Phan Bôi và Phan Thao, những nhà toán học lừng danh như Hoàng Tuỵ, Ngô Việt Trung…             

Một bí quyết khó lý giải của vùng đất được tạo nên từ hai nhánh của dòng sông làm nhà văn ngạc nhiên, bởi trong khoảng 1.500 năm từ ấy đến giờ trải qua bao hoạn nạn của trời đất, thế mà cái dòng chảy của sông Thu Bồn hầu như không hề thay đổi. Những dòng sông chia rồi hợp như một hòn đảo để tạo nên cái dáng bồng ẳm trìu mến như vậy. Tôi nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết bút ký “Ai đặt tên cho dòng sông” viết về con Sông Hương quê ông, ông hoàng thể bút ký này cũng chỉ và gợi ra điều mà người đời sau suy ngẫm về điểm chung câu chuyện những con sông. 

Du khách tìm đến Gò Nổi để check-in.

Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại… ra khỏi rừng sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn, xứ sở. Chiếc chìa khóa lý giải câu chuyện dòng sông này thật không dễ bởi nó đã ném vào những hang đá dưới chân núi Kim Phụng. Và con người đặt tên cho dòng sông cũng như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử…           

***

Quay lại chú chim bói cá. Lúc nhà văn đang tắm. “Ê Bói cá! Tôi thử cất tiếng gọi, nó quay ngoắt lại liền. Tôi giơ tay vẫy vẫy. Nó không bay vụt đi như tôi tưởng, mà nhìn tôi rất thẳng như muốn quát mắng: Nào con vật chóng quên kia, hãy để cho ta yên. Rồi bằng một cú nhảy rất gọn trên sông, mũi cây sà, nó quay lại hướng cũ nhìn ra dòng sông tiếp tục cuộc độc thoại bí ẩn của nó, thu đầu vào giữa đôi cánh xanh biết…”.

Lại nói về di sản, lại nói về hồi ức quá khứ, trong chuyến hành phương Nam, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nêu triết lý ông nhận ra ở đây, tức là từ vùng Gò Nổi. “Quá khứ không hoàn toàn là dĩ vãng. Than đá là quá khứ của trái đất, nhưng than đá không bao giờ cũ; nó bị dồn nén cồn cào trong lòng đất và luôn luôn đòi bốc cháy, và như vậy than đá là khát vọng của đất. Mọi khát vọng được thực hiện thành cuộc sống bền vững đều mang theo những giá trị địa chất của nó, nhìn qua thời gian”.

Với người viết bài này, hẳn cái triết lý quên là để nhớ cũng không phải là không có lý, hỡi chú chim bói cá kia…

Võ Văn Trường