Báo Công An Đà Nẵng

Qua miền đất hạn (3)

Thứ tư, 09/04/2014 12:08

* Kỳ cuối: Đà Nẵng chạy đua cùng hạn hán

(Cadn.com.vn) - Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp thiếu nước sản xuất

Ông Lê Đình Ca, Phó phòng Nông nghiệp H. Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết: Năm 2014, Hòa Vang dự kiến gieo sạ 5.075 ha đất nông nghiệp, trong đó vụ Đông Xuân 2013-2014 đã gieo sạ 2.724,4 ha, dự kiến vụ Hè Thu 2.351 ha. Trên toàn bộ diện tích trên,  tại các xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Bắc... có khoảng hơn 513 ha hoàn toàn phụ vào các hồ đập nhỏ, giếng bơm, khoảng hơn 1.000 ha mặc dù có nguồn nước tưới chủ động nhưng cũng rất bấp bênh trước tình hình khô hạn như hiện nay.

Từ tháng 1-2014 đến nay, thời tiết không mưa, lượng nước ở  hầu hết các hồ đập trên địa bàn H. Hòa Vang qua kiểm tra thấp hơn trung bình nhiều năm, nhất là các hồ đập nhỏ, các khe suối đã cạn kiệt nguồn nước. Thời điểm hiện tại, tức là đang trong giai đoạn cao điểm của vụ Đông Xuân, đã xảy ra khô hạn cục bộ tại một số khu vực như Trường Định, xã Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Bắc... Dự báo năm nay tiếp tục xảy ra hạn hán nặng, ngay từ đầu tháng 3-2014, UBND H. Hòa Vang đã gấp rút triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống hạn.

Trong tổng diện tích đã nêu trên, trong vụ Đông Xuân 2013-2014, diện tích phải chống hạn là 262 ha, vụ Hè Thu, dự kiến phải chống hạn trên diện tích  hơn 485 ha. Theo dự tính, tổng kinh phí chống hạn năm 2014 sẽ cần phải có  hơn 1 tỷ 186 triệu đồng.  Ông Lê Đình Ca cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế, trên địa bàn các xã như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Khương... có hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp thường xuyên nằm trong tình trạng khô hạn, nhưng lại dễ xảy ra ngập úng nếu chỉ cần có vài đợt mưa lớn.

Trên những diện tích đất này rất khó canh tác, và cũng khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. UBND huyện cũng đã lập kế hoạch, phương án chuyển đổi cây trồng, thay thế cây lúa bằng các loại cây nông nghiệp khác như bắp lai, mè,  đậu xanh trên một số diện tích đất tại Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Ninh, nhưng rất khó khăn về kinh phí. Theo  tính toán, trong vụ Hè  Thu sắp tới, kinh phí để chuyển đổi cây trồng cho người dân cần khoảng 150 triệu đồng, nhưng đó mới chỉ là dự tính.

Nếu các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn không xả nước
sẽ gây thêm tình trạng khô hạn ở hạ lưu Quảng Nam và Đà Nẵng.

Theo ông Lê Văn Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi  Đà Nẵng, Công ty này đảm nhiệm cung cấp nước tưới cho toàn địa bàn TP Đà Nẵng và hai xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Điện Hòa, H. Điện Bàn tỉnh Quảng Nam trên diện tích 1.108 ha đất nông nghiệp và hơn 83 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại Hòa Khương, Hòa Phong (H. Hòa Vang).  Diện tích tới vụ Đông Xuân là 1.864 ha, trong đó biện pháp tưới, sử dụng nước hồ đập là 808 ha, bơm điện 1.056 ha. Dự kiến diện tích tưới vụ Hè Thu  1.908 ha, trong đó biện pháp tưới, hồ đập 808 ha, bơm điện 1.100 ha.

Do chủ động các phương án chống hạn, cho đến thời điểm hiện nay, diện tích công ty đảm nhiệm cung cấp nước chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, không có mưa  tiểu mãn, thì nguy cơ khô hạn trong vụ Hè Thu là rất cao. Ngay từ đầu năm, Công ty đã nhận được sự chỉ đạo của ngành chức năng chủ quản và UBNDTP Đà Nẵng xây dựng phương án chống hạn năm 2014. Theo dự báo trong năm, lượng  mưa khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ thấp hơn mọi năm,  thời tiết nắng nóng hơn, tức là nhiệt độ sẽ tăng cao, gây nên hiện tượng bốc hơi nhanh là khô kiệt các nguồn nước. Nếu tình hình nắng hạn kéo dài, không có mưa lớn, các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn không xả nước về hạ lưu thì tình hình khô hạn sẽ diễn ra rất phức tạp. Vì vậy nhu cầu dùng nước sẽ nhiều hơn năm 2013 và các năm trước.

Công ty đã chủ động tổ chức nắm tình hình thời tiết, nhận định tình hình thực tế, báo cáo Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng xây dựng phương án chống hạn trong năm, với những giải pháp  như: Tăng cường công tác quản lý nước, thường xuyên kiểm tra các công trình kênh mương, đồng ruộng để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước; phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên, tuần tra kênh mương, phân phối nước và xử lý các sự cố; kiểm tra các diện tích nuôi trồng thủy sản, phân phối nước thích hợp, ưu tiên nước cho cây lúa; tu bổ các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước, tuyên truyền cho nhân dân đắp bờ giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm; đề nghị Cty Điện lực ưu tiên nguồn điện để chống hạn; đề nghị các đập thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn xả nước về hạ lưu... và đề ra các giải pháp chống hạn cụ thể phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.

Hàng trăm diện tích đất nông nghiệp ở Hòa Vang luôn trong tình trạng khô hạn
vì thiếu nước.

Theo đánh giá, trong 3 tháng đầu năm 2014, lượng mưa  tại khu vực miền Trung chỉ đạt 45 ml, so với cùng kỳ năm 2013 thấp hơn 100ml, tức là chỉ chiếm 1/3 năm 2013. Mực nước tại các hồ chứa ở Đà Nẵng như Đồng Nghệ, Hòa Trung sẽ xuống rất nhanh. Tính đến ngày 1-4-2014, mực nước hồ Đồng Nghệ có cao trình là 31 mét, Hòa Trung là 39 mét, mặc dù vẫn đang ở mức độ an toàn, kiểm soát được, nhưng đến tháng 6-2014  mà không có mưa bổ sung, thì tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ xảy ra.

Hiện tại Công ty khai thác thủy lợi đang gấp rút triển khai cho công tác phục vụ vụ Hè Thu. Dự kiến sẽ lắp đặt các trạm bơm chống hạn tại Đồng Nghệ, Hòa Phong, khu vực Ba Gia An Trạch, Hòa Khương... Nạo vét các kênh mương, khơi dẫn  bể hút, dự kiến kinh phí sẽ cần phải có hơn 1 tỷ 400 triệu đồng để phục vụ công tác chống hạn trên toàn thành phố.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, nhiều địa phương Tây Nguyên, miền Trung đang phải chạy đua, đối phó khốc liệt với khô hạn, Đà Nẵng cũng đang gấp rút chạy đua, chủ động để hạn chế, vượt qua khô hạn trong thời gian tới.

NHÓM PV XÃ HỘI