Báo Công An Đà Nẵng

Qua miền trù phú...

Thứ bảy, 09/06/2018 20:01

Nằm lưng chừng dưới đỉnh núi Ngọc Lân, thôn 6 xã Phước Lộc được mệnh danh là nơi trù phú nhất của H. Phước Sơn (Quảng Nam). Bởi theo ông Lưu Huyền Thoại-Chủ tịch UBND xã Phước Lộc: "Nơi đây thứ họ thiếu phải mua là gạo, còn lại nhu yếu phẩm thì đều tự cấp đủ quanh năm. Vì ở nơi có độ cao, xung quanh bao bọc bởi rừng già nên cây trái tươi tốt quanh năm, sản vật phong phú. Đời sống người dân yên lành, ấm cúng".

P.V trò chuyện với CAX Phước Lộc tại thôn 6.

Trước đây, để lên đến thôn 6, từ trung tâm xã Phước Lộc người dân phải đi bộ nửa ngày đường. Ngày nay, nhờ sự quan tâm, đầu tư của nhà nước nên đường bê-tông đã được làm từ chân núi lên đến thôn, xe máy chạy vi vu nhưng toàn đi bằng "số 1". Bởi địa thế của thôn nằm trên lưng chừng đỉnh núi cao, đường lên dốc đứng nên khi muốn chạy xe lên hoặc xuống đều phải cho xe về "số 1" mới đi được. Dù đã cài số 1 nhưng chiếc xe 135 phân khối của tôi có nhiều đoạn không leo nổi, người bạn đồng nghiệp ngồi sau phải nhảy xuống đi bộ. Mất chừng hơn nửa giờ vượt qua những đoạn dốc quanh co, hai bên đường là những tán rừng già cổ thụ, cuối cùng ngôi làng của thôn 6 cũng đã hiện ra, lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn núi rừng.

CAX Phước Lộc nắm tình hình ANTT ở các hộ dân thôn 6.

 

Gặp lại chúng tôi, Trưởng CAX Phước Lộc Hồ Văn Đoàn rất vui. Ở đây, dường như cái lạnh đã ngự trị tháng này qua tháng khác nên người dân thường lấy rượu thay trà để tiếp khách. "Hôm nay cuối tuần nên mình ở nhà. Sẵn trên giàn bếp còn vài miếng thịt sóc xông khói nên anh em lai rai tí cho vui"- vừa nói, anh Đoàn xách ca nhựa qua nhà bên mua lít rượu trắng. Đứa em trai ở nhà nhanh nhẹn lấy thịt xuống nướng bên bếp lửa đang đỏ hồng.

 

Anh Đoàn cho biết, nói là thôn nhưng do dân số ít, chỉ hơn 30 hộ được bố trí men theo sườn dốc. Ở đây, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa vì thời tiết rất lạnh. Nhưng bù lại, mẹ thiên nhiên lại cho người dân nhiều thứ khác. Anh Đoàn chỉ tay ra mảnh vườn phía trước, nơi có giàn su su xanh mướt, trĩu quả, nói: "Thời tiết lạnh nên nơi đây rất thích hợp với loại cây này. Nhờ nó mà cả làng luôn có thức ăn và có thêm đồng ra đồng vào. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, người dân hái đem xuống trung tâm xã bán cho công nhân các công trình là đủ tiền đi chợ...".

"Đại gia" Hồ Văn Yên đang thu hoạch su su.

Vừa uống xong mấy cốc rượu, anh Hồ Văn Thu, công an viên xã, mở tủ lấy ra một can mật mời chúng tôi: "Mấy anh đi đường mệt uống thứ này là khỏe ngay đấy. Mật ở đây cũng đặc biệt lắm đó". Rồi anh Đông lý giải: Ong ở đây đến mùa làm mật chúng chui vào một lỗ lớn trên thân cây cổ thụ làm tổ. Sau mùa lấy mật thì chúng di chuyển đi nới khác. Mình phải chọn những viên đá làm nắp, đậy những cái lỗ đó lại để đến mùa sau lại mở ra cho chúng vào làm mật. Cũng nhờ có rừng nguyên sinh nên ong mới về làm tổ, bởi thế người trong thôn bảo vệ rừng như bảo vệ gia sản của mình. Mất rừng đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn lợi lớn từ mật. Nhà nào càng giữ được cho mình nhiều cây thì thu hoạch mật ong càng lớn. Tại thôn 6, ông Hồ Văn Yên được xem là "đại gia" của xã, bởi mỗi năm riêng gia đình ông thu hoạch cả trăm lít mật ong. Chịu khó làm ăn và biết tính toán, mỗi năm gia đình ông Yên thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc này, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp nên tiền làm ra không biết tiêu vào khoản gì. Câu chuyện mà nhiều người đến nay vẫn còn nhắc đến đó là những năm trước, khi đường sá đi lại còn khó khăn, chưa biết gửi tiền ở ngân hàng nên gia đình ông bỏ vào ống tre hoặc gói tiền có được trong túi ni-lon rồi nhét ở giàn bếp. Đến khi kiểm tra thì phần bị mối ăn, phần vì sức nóng của giàn bếp làm cháy xém...Điều đáng ghi nhận là tình hình ANTT trong thôn rất tốt. "Xe máy, tài sản người dân để khắp nơi trong thôn nhưng lâu nay không bị mất. Do địa hình khó khăn nên người lạ nơi khác đến đều phải thông qua lãnh đạo thôn và già làng, bởi vậy tình hình ANTT nơi đây rất ổn định"- Trưởng CAX Hồ Văn Đoàn tự hào...

Những câu chuyện bên bếp lửa hồng cứ thế kéo dài không ngớt. Chúng tôi chia tay người dân nơi đây khi cơn mưa chiều chuẩn bị ập đến. Những phụ nữ với những chiếc gùi trĩu nặng trên vai từ rẫy trở về; tiếng trẻ thơ vang cười rộn rã bên bể nước tuôn chảy ở đầu làng. Những chái bếp cũng bắt đầu lên khói để chuẩn bị cho bữa cơm chiều ấm cúng dưới chân núi Ngọc Lân trù phú này...

BÃO BÌNH