Báo Công An Đà Nẵng

“Quả ngọt” từ các mô hình học tập của Sơn Trà

Thứ tư, 27/05/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Từ tháng 11-2014, Q. Sơn Trà được TP Đà Nẵng chọn để triển khai thí điểm Đề án 281 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 281). Trong đó, Sơn Trà tập trung xây dựng 4 loại mô hình học tập gồm: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2014-2015. Sau nửa năm, các mô hình đã mang lại những kết quả tích cực.

Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Sơn Trà, bà Nguyễn Thị Thảo cho biết: Đề án đã được triển khai cho gần 300 đại biểu đại diện các ban, ngành, đoàn thể ở quận và địa phương. Từng phường đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức Hội nghị mời các Bí thư chi bộ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, hiệu trưởng các trường, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ khuyến học để quán triệt nội dung Đề án và triển khai các mô hình học tập.

Quận đã chọn hai phường là Mân Thái và Phước Mỹ để tổ chức triển khai thí điểm, trong đó Mân Thái chọn tổ 26A, tổ 10C3, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, UBND phường, tộc Lê và tộc Văn; Phước Mỹ chọn tổ 15, tổ 43, Trường THCS Phan Bội Châu, UBND phường, tộc Đàm và tộc Nguyễn Văn để triển khai thí điểm.

Các phường còn lại mỗi phường chọn 2 tổ dân phố, 2 đơn vị và các dòng họ, mỗi tổ dân phố chọn 3 hộ gia đình tham gia thí điểm. Tính đến ngày 26-5-2015, toàn quận Sơn Trà có 79 mô hình tham gia thí điểm triển khai Đề án 281, trong đó có 42 gia đình, 14 tổ dân phố, 9 tộc họ, 7 trường học và 7 cơ quan. Qua kiểm tra của UBND quận, có 78/79 mô hình đạt yêu cầu.

Lãnh đạo Q. Sơn Trà trao Giấy chứng nhận cho các gia đình, dòng tộc, cộng đồng, đơn vị tham gia thực hiện thí điểm Đề án đạt kết quả tốt. 

Phó Chủ tịch UBND P. Mân Thái, ông Phạm Thế Hải,  chia sẻ: “Khi triển khai thực hiện thí điểm Đề án 281, ở Mân Thái đã có 26 chi hội khuyến học tại các khu dân cư, tộc họ, chùa, trường học và UBND phường, đó là điểm thuận lợi để xây dựng các mô hình học tập đạt hiệu quả. Kinh nghiệm của địa phương là chọn các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu lao động phổ thông để thí điểm chứ không chọn những gia đình có điều kiện, con cái học hành thành đạt, do đó có thể khẳng định kết quả đánh giá tương đối chính xác, sát với tình hình thực tế”.

Về xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở UBND phường, ông Phạm Thế Hải cho biết: Địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thời gian cũng như hỗ trợ để cán bộ công chức tự học tập nâng cao trình độ. Hiện tại, UBND phường có 47 CBCC, trong đó có 3 người có trình độ thạc sĩ, 18 đại học, 3 cao đẳng, 6 trung cấp, 9 THPT, ngoài ra còn xây dựng tủ sách cơ quan, thường xuyên đầu tư kinh phí bổ sung đầu sách để phục vụ việc cập nhật kiến thức cho cán bộ và nhân dân.

Ông Đàm Văn Ánh, đại diện tộc Đàm (P. Phước Mỹ) thì chia sẻ: “Trải qua hơn 500 năm lập nghiệp tại làng Mỹ Khê, hiện tộc Đàm phường Phước Mỹ có hơn 80 hộ dân (nội tôn), hầu hết các gia đình trong dòng tộc đều có đời sống vật chất và tinh thần khá vững vàng. Các gia đình khó khăn đều được toàn tộc hỗ trợ, tiếp sức và đến nay đã cơ bản xóa nghèo, con cháu đều được đi học. Chi hội khuyến học của tộc Đàm ra đời và hoạt động từ những năm 1990 đến nay, đó là những nền tảng vững chắc để tộc vận động các gia đình tiếp tục đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”.

Con cháu trong tộc đều học hành đến nơi đến chốn, không có học sinh lưu ban, bỏ học, không vi phạm pháp luật. Quỹ khuyến học của tộc vận động được gần 40 triệu đồng, hàng chục năm qua đã cấp học bổng cho học sinh khó khăn và khen thưởng hàng trăm học sinh có thành tích học tập tốt.

Đề án 281 cũng đã tác động tích cực đến từng hộ gia đình. Như trường hợp của ông Tiêu Chấn Phi Hải (P. Mân Thái), tuy hoàn cảnh khó khăn, ở nhà chung cư, chồng làm công nhân, vợ buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập thấp nhưng gia đình vẫn cố gắng siêng năng lao động, tiết kiệm chi phí hợp lý để nuôi 2 con học giỏi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện cả hai vợ chồng ông Hải đều là hội viên hội khuyến học và gia đình được chọn thí điểm xây dựng “Gia đình học tập” của P. Mân Thái.

Tại Hội nghị tổng kết thí điểm các mô hình học tập giai đoạn 2014-2015 vừa được tổ chức ngày 26-5, đại diện các mô hình đã đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp, đề xuất chỉnh sửa một số tiêu chí nhằm xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí  “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” một cách rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với thời kỳ phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.

Dịp này, Q. Sơn Trà đã trao Giấy chứng nhận cho 78 gia đình, dòng tộc, cộng đồng, đơn vị tham gia thực hiện thí điểm Đề án đạt kết quả tốt.

K.Thanh