Báo Công An Đà Nẵng

Quả ngọt từ một “đơn đặt hàng”

Thứ bảy, 02/09/2017 08:58

Ngày 1-9, tại hội nghị tổng kết Đề án Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường/xã trên địa bàn (Đề án 89), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đánh giá, những gì mà thành phố đã làm để có được đội ngũ cán bộ cơ sở trưởng thành như bây giờ bắt đầu từ một quyết sách mạnh mẽ, đột phá vào thời điểm chưa có địa phương nào nghĩ tới. Trong khi đó, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng khẳng định, quả ngọt hôm nay chính là “đơn đặt hàng”, và yêu cầu phải làm được, của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng trò chuyện với cán bộ trẻ cấp phường xã được đào tạo theo Đề án 89.

GIẢI BÀI TOÁN  NHÂN LỰC CƠ SỞ

Ông Trần Đình Hồng – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, sau hơn 9 năm triển khai, Đề án 89 đã góp phần trẻ hóa và làm chuyển biến về chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, có khả năng đảm đương những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị cấp phường/xã trên địa bàn. Tổng số học viên tham gia Đề án 89 là 155, trong đó số tốt nghiệp đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn là 139 người. Sau khi về nhận công tác, nhiều người đã thích ứng ngay với công việc, trưởng thành nhanh. Đây là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở trong tình hình mới.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, ngoài những học viên có nguyện vọng được về lại địa phương, đơn vị đã cử mình đi học, các học viên còn lại được chọn nhiệm sở công tác theo thứ hạng tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thành ủy cũng tiến hành khảo sát nhu cầu tiếp nhận nguồn cán bộ phường/xã trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn bị cho việc phân công công tác đối với học viên của hai khóa học sau khi tốt nghiệp. “Tính đến tháng 6-2017, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 hiện đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 126 người (80 nam và 46 nữ). Có 93 người được bầu vào cấp ủy phường/xã, số cán bộ được bầu, bổ nhiệm các chức danh chuyên trách là 81 người, chức danh Công chức 24 người, không chuyên trách 19 người. Hầu hết các cán bộ đã phát huy được năng lực, kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Hồng cho hay.

TRƯỞNG THÀNH TỪ LỜI CHÚC “KHÔNG THUẬN BUỒM XUÔI GIÓ”

Gần 10 năm sau khi bắt đầu Đề án 89, ông Bùi Văn Tiếng, một trong những người quyết liệt tham mưu ý tưởng đột phá này vẫn nhắc lại câu chúc khi các học viên hoàn thành khóa học, về nhận công tác. Câu nói kết thúc khóa học “chúc các em không thuận buồm xuôi gió!” vẫn được các học viên (hầu hết đã giữ những nhiệm vụ chủ chốt ở các phường xã) nhớ nằm lòng. “Nói làm chính trị thì to tát quá, nhưng khi được xem là cán bộ lãnh đạo, ở cấp nào cũng thế, việc thuận buồm xuôi gió, công việc hanh thông thì ai cũng muốn. Nhưng muốn trưởng thành hơn, muốn phục vụ nhân dân tốt hơn thì phải va vấp và vượt qua được va vấp, đối mặt với thách thức và vượt qua nó mới là điều quan trọng hơn. Bây giờ đây, tôi vẫn chúc các em tiếp tục không thuận buồm xuôi gió”, ông Tiếng nhắn nhủ.

Anh Lê Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND P. Tân Chính, Q. Thanh Khê, 1 trong 126 học viên của Đề án 89 thừa nhận, dù được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức được học bài bản nhưng anh và các đồng nghiệp cũng phải “trầy vi tróc vảy” trong một thời gian dài mới có thể thích ứng được với công việc. Mọi lý thuyết, kiến thức đào tạo sẽ vô ích nếu mình không cố gắng, không cầu thị học hỏi các thế hệ đi trước và lăn lộn với thực tiễn. “Tôi được phân về làm việc tại văn phòng đảng ủy phường kiêm phụ trách 3 nhiệm vụ khác nhau. 6 tháng đầu tôi sút 5 kg, đồng chí Trưởng ban Tổ chức quận ủy e ngại hỏi tôi có đủ sức công tác không em? Đến bây giờ, tôi đã cùng đảng ủy phường tạo 30 ki-ốt buôn bán miễn phí cho các hộ nghèo ở đường Hải Phòng, góp sức làm lại chợ Tân Chính cho bà con buôn bán. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con khá lên. Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp công sức của mình cho thành phố”, anh Dũng trải lòng.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang bày tỏ lòng biết ơn lãnh đạo thành phố khi đã có chủ trương chọn người có năng lực, dám nghĩ, biết làm mà bỏ qua những tư duy vùng miền, họ hàng thân thích. Nhưng câu chuyện bắt đầu của một cán bộ trẻ trong guồng máy của những người có kinh nghiệm, có tuổi đời như cha chú không hề đơn giản. “Không chỉ cố gắng khẳng định năng lực của bản thân, chúng tôi còn phải bằng mọi cách thay đổi tư tưởng, niềm tin của các thế hệ lãnh đạo vào cán bộ trẻ. Cũng đã từng có những xung đột không tránh khỏi giữa những người trẻ được đào tạo cơ bản và những người có kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng rồi khó khăn đó đã được giải quyết bằng sự quan tâm của các cấp, sự hợp tác, cầu thị và nỗ lực của mỗi cá nhân”, chị Hà tâm sự.

Đề án 89 được ví von như phút thi đấu gần cuối cùng của một trận bóng đá, thể hiện sự bùng nổ, đột biến cũng đã buộc một số học viên phải “dừng cuộc chơi” vì bản thân họ không đủ sức theo cuộc hành trình, đánh rơi thành quả khi trận đấu chưa kết thúc. Theo đánh giá của cấp ủy các quận huyện và Ban Tổ chức Thành ủy, một số ít cán bộ Đề án trong quá trình công tác không giữ gìn phẩm chất đạo đức, gây mất uy tín ở cơ quan và địa phương, dẫn đến vi phạm kỷ luật phải xử lý thôi việc. Một số khác chưa có kinh nghiệm trong công tác hành chính, không phát huy được những kiến thức đã được đào tạo nên chưa thật sự nắm bắt được tình hình ở cơ sở, dẫn đến việc không phát huy được năng lực, không phù hợp với Đề án và đã xin thôi việc là những trường hợp đáng tiếc. Đúng như lời ông Bùi Văn Tiếng, trong cái “không thuận buồm xuôi gió”, người nào đủ sức vượt qua sẽ đứng vững và khẳng định mình, ngược lại sẽ bị đào thải là một quy luật tất yếu.

KHÔNG NÉ TRÁNH VIỆC MỚI, VIỆC KHÓ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, tư duy đột phá mang tính chiến lược của Đà Nẵng cách đây gần 10 năm đã gầy dựng được một lớp cán bộ trẻ dám nghĩ, biết làm ở cấp cơ sở. Nhiều người đã nhanh chóng trưởng thành, được bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí lãnh đạo, quản lý, có những thành tích cống hiến trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị nói riêng, thành phố nói chung. Đây là một trong những nguồn lực quý của thành phố, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. “10 năm nhìn lại thấy thời điểm đó chúng ta đã quá mạnh mẽ, quá tiên phong, quá đột phá. Tôi rất thích câu nói của các bạn là đã cố gắng làm thay đổi cách nhìn của các thế hệ đi trước. Nhìn vào thực tế, các bạn đã làm được điều đó. Đề án đã thành công vượt bậc”, ông Võ Công Trí nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành ủy cũng cho rằng, tổng kết Đề án chỉ là một hoạt động đánh giá lại một cách toàn diện những thành công, hạn chế để có bước đi tiếp theo cho chiến lược đào tạo nguồn lực cho các thế hệ kế cận. Công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ luôn tiếp diễn. Lấy dẫn chứng để khẳng định thành phố luôn cần người trẻ, ông Võ Công Trí cho biết, tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy của thành phố vẫn chưa đạt, tại các quận huyện thì tỷ lệ cán bộ dưới 35 tuổi mới chỉ hơn 3%. Chính vì vậy, những ai có khả năng, khẳng định được mình chắc chắn sẽ được trọng dụng. “Điều mà lãnh đạo thành phố luôn hy vọng và đặt niềm tin đó là cán bộ trẻ cấp cơ sở sẽ không né tránh việc mới, việc khó mà sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Trong tình hình mới, áp lực sẽ nhiều, thách thức nhiều mà cám dỗ cũng nhiều. Thành ủy tin tưởng lãnh đạo quận huyện sẽ luôn chú trọng, tạo bệ phóng để những người trẻ đem hết năng lực để khẳng định bản thân và đóng góp cho thành phố”, ông Võ Công Trí kỳ vọng.

CÔNG KHANH