"Quái vật" Taliban ở Pakistan
(Cadn.com.vn) - Từng được nuôi dưỡng bởi nhà nước Pakistan như bức tường thành chống kẻ thù, nhưng Taliban hiện giờ đang đặt ra thách thức trực tiếp cho "người cha đỡ đầu".
Các cuộc tấn công điên cuồng vào sân bay quốc tế Karachi trong những ngày qua cho thấy, Pakistan khó có thể tiêu diệt nhóm khủng bố Taliban - vốn đang "làm mưa làm gió" tại quốc gia Nam Á này.
"Nuôi ong tay áo"
Nhóm phiến quân Hồi giáo vũ trang này ra đời như là phương tiện bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa hiện hữu từ Ấn Độ. Nhưng nhóm này giờ đây trở thành mối đe dọa cho người dân Pakistan và đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của nước cộng hòa Hồi giáo.
Hai cuộc tấn công kinh hoàng tại sân bay quốc tế Karachi trong vài ngày qua chứng minh sức mạnh của Taliban và tạo những thách thức trực tiếp các nhà chức trách Islamabad. Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công và nói rằng đó là sự trả đũa việc giết hại thủ lĩnh Hakimullah Mehsud trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào năm ngoái.
Nhóm tuyên bố sẽ khởi động cuộc tấn công như vậy một lần nữa nếu lực lượng an ninh tiếp tục các hoạt động tại Khyber. TTP nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan tình báo Pakistan (ISI) và là một trong những công cụ của ISI giải quyết các vấn đề ở Afghanistan và các nước láng giềng khác. Carlotta Gall trong cuốn sách The Wrong Enemy mô tả một cách sống động vai trò của ISI, cơ sở quân sự và các cơ quan khác của nhà nước Islamabad trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng Taliban khi họ bị đuổi ra khỏi Afghanistan.
Sai sót bảo mật lớn
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào các phiến quân có thể tiếp cận sân bay với vũ khí và đạn dược?
Vụ việc này không phải mới. Năm 2009, các phiến quân tiếp cận một pháo đài bất khả xâm phạm khác - Tổng trụ sở của quân đội ở Rawalpindi - và tấn công trong nhiều giờ. Tương tự như vậy, Taliban Pakistan cũng tấn công căn cứ hải quân Karachi năm 2011, phá hủy các thiết bị đắt tiền và giết chết 10 binh sĩ.
Vào năm 2012, chúng cũng thành công trong việc thực hiện các cuộc tấn công tự sát tại sân bay quốc tế Peshawar, gây thương vong lớn. Mặc dù có những sai sót lớn, hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin tình báo của Pakistan đã được cải cách. Tuy nhiên, chính sách bảo mật nội bộ mới ra mắt vào tháng 12-2013, nhằm mục đích tập trung quá trình chia sẻ thông tin tình báo, vẫn chưa được thực hiện.
Sân bay quốc tế Karachi là cửa ngõ của Pakistan với thế giới. Với tình hình an ninh xấu đi, nếu một số các hãng hàng không quốc tế ngừng bay tới Pakistan, đây sẽ là cú đánh lớn vào uy tín quốc gia. Một khi sự tín nhiệm bị đe dọa, chính phủ Islamabad không thể đủ khả năng để tiến hành các cuộc đàm phán với quân nổi dậy. Các cuộc đối thoại không những vô tác dụng mà còn cho Taliban có thêm nhiều thời gian hơn để tập hợp và chuẩn bị lực lượng.
Nhân viên an ninh tập trung đến sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi hôm 10-6 sau khi sân bay bị tấn công. Ảnh: CNN |
Mâu thuẫn quân-dân sự
Vài tuần trước khi tấn công, chính phủ và quân đội Pakistan nỗ lực tìm một lối thoát để đối phó với TTP.
Các cuộc đàm phán chính thức với TTP bắt đầu vào tháng 2-2014 nhưng tan rã 2 tuần trước bởi các cuộc không kích mà quân đội tung ra. Kể từ khi Tổng tham mưu quân đội Pakistan Raheel Sharif lên nắm quyền vào tháng 11-2013, quân đội đưa ra những tín hiệu cho thấy, họ quyết tâm giải quyết vấn đề TTP bằng quân sự.
TTP được cho là giết chết từ 5.000 - 15.000 binh sĩ Pakistan, trong đó có nhiều tướng lĩnh, trong những năm gần đây. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo dân sự lo lắng, các hoạt động quân sự như vậy sẽ khiến Taliban thực hiện các cuộc tấn công trả thù.
Vấn đề làm phức tạp thêm tình hình là một số trong các phe phái của TTP liên minh với Taliban tại Afghanistan. 3 sự cố khủng bố trong 48 giờ qua nhấn mạnh khả năng của TTP trong việc phát động các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận.
Với việc quân đội nước ngoài rút khỏi sớm Afghanistan vào cuối năm nay, nước láng giềng này có thể biến thành nơi hoạt động thuận tiện hơn đối với Taliban và các chi nhánh của chúng. Đã đến lúc Pakistan phải thực hiện một sự lựa chọn khó khăn: cải thiện mối quan hệ với Afghanistan và xem khủng bố là vấn đề chung của cả hai nước.
An Bình
(Theo Diplomat, CNN)